Chương 19: Những giấc mơ trẻ con

Tháng 9/2000 (Clare 29 tuổi)

CLARE: Tôi mơ thấy mình đang bước xuống cầu thang tới tầng hầm của nội Abshire. Dấu bồ hóng dài của cái lần con quạ bay xuống từ ống khói vẫn còn trên bức tường bên trái; những bậc thang bụi bặm và tay vịn để lại trên tay tôi một vệt xám xịt khi tôi túm vào nó để giữ thăng bằng; tôi đi xuống và bước vào căn phòng đã luôn khiến tôi sợ hãi khi còn nhỏ. Trong căn phòng này là hàng dãy dài những cái giá đựng đồ hộp, cà chua và dưa chuột muối, nước sốt ngô và củ cải đường. Trông chúng như những xác chết ướp. Bên trong một chiếc lọ là bào thai một con vịt nhỏ. Tôi cẩn thận mở lọ ra rồi đổ con vịt và nước ối vào tay. Nó thở khó nhọc rồi nôn ọe. “Tại sao mẹ bỏ con?” nó hỏi khi nó đủ khả năng để cất tiếng nói, “Con đã đợi mẹ lâu lắm rồi.”

Tôi mơ thấy mình và mẹ đang sánh bước cùng nhau trên một con đường vắng vẻ ở Nam Haven. Tôi đang ẵm một đứa trẻ. Trong lúc chúng tôi bước đi, đứa trẻ ngày càng trở nên nặng hơn, cho đến khi tôi không thể bế nổi nó. Tôi quay sang mẹ và bảo bà rằng tôi không thể tiếp tục bế đứa bé được nữa; bà nhận nó từ tôi một cách dễ dàng và chúng tôi tiếp tục bước đi. Chúng tôi về đến nhà và đi qua một lối đi bộ ra phía sau vườn. Trong khu vườn có hai cái màn hình và một cái máy chiếu. Mọi người đang ngồi trên ghế trong bãi cỏ và ngắm những slide về cây cối. Mỗi màn hình chiếu một nửa của một cây. Một nửa là mùa hè, nửa còn lại là mùa đông; chúng cùng là một cây, nhưng khác mùa. Lũ trẻ cười và la hét trong vui thú.

Tôi mơ thấy mình đang đứng trên sân ga Sedgewick đợi chiếc tàu điện Brown Line, tay xách hai chiếc túi mua đồ mà sau khi xem xét kĩ lưỡng hóa ra là những hộp bánh quy giòn mặn và một đứa trẻ chết non bé tí xíu với mái tóc đỏ, được gói trong giấy bọc thức ăn.

Tôi mơ thấy mình đang ở nhà, trong căn phòng cũ của tôi. Đang là nửa đêm và căn phòng được chiếu sáng lờ mờ bởi ánh đèn từ bể cá. Đột nhiên tôi nhận ra, trong sợ hãi, rằng có một sinh vật nhỏ bé đang bơi vòng quanh bể; tôi vội vàng mở nắp và vớt sinh vật, hóa ra là một con chuột có mang cá, ra khỏi bể. “Mẹ xin lỗi”, tôi nói. “Mẹ quên mất con.” Con chuột nhỏ chỉ nhìn tôi trách móc.

Tôi mơ thấy mình đang đi lên lầu trong căn biệt thự Sáo Bắc Mỹ. Tất cả nội thất đã biến mất, các căn phòng trống rỗng, bụi bay trong ánh nắng đang đỏ vàng lên sàn nhà làm bằng gỗ sồi bóng loáng, tôi đi dọc hành lang dài, ngó vào các phòng ngủ, rồi bước vào phòng mình, nơi một chiếc nôi gỗ nhỏ nằm trơ trọi một mình. Không một tiếng động. Tôi sợ phải nhìn vào trong nôi. Trong phòng của mẹ tôi, những tấm ga giường trắng muốt đang trải khắp sàn. Dưới chân tôi là một giọt máu nhỏ vừa lem vào góc của tấm ga và loang ra, cho đến khi cả sàn nhà ngập trong biển máu.

Thứ Bảy, 23/9/2000 (Clare 29 tuổi, Henry 37 tuổi)

CLARE: Tôi đang sống dưới đáy đại dương. Mọi thứ có vẻ đang diễn ra chậm rãi và xa tít. Tôi biết có một thế giới ở trên kia, một thế giới vội vã ngập trong ánh nắng, nơi thời gian chạy qua như cát chảy trong đồng hồ cát. Còn ở dưới này, nơi tôi đang sống, không khí, tiếng động, thời gian, cảm xúc dày đặc và nặng nề. Tôi đang ở trong chiếc chuông lặn với đứa trẻ này, chỉ hai chúng tôi tìm cách sinh tồn giữa thế giới xa lạ, nhưng tôi cảm thấy rất cô đơn. Xin chào! Con có ở đó không? Không có tiếng trả lời đáp lại. Thằng bé đã chết rồi, tôi nói với Amit. Không, bà ấy bảo, mỉm cười lo âu, không, Clare, thấy chưa, nhịp tim của thằng bé đây. Tôi không thể giải thích. Henry lảng vảng quanh tôi, nấu cho tôi ăn, mát-xa cho tôi, tìm cách làm cho tôi vui, cho đến khi tôi cáu lên với anh ấy. Tôi đi qua khu vườn đổ vào xưởng vẽ. Nó như một bảo tàng, một lăng mộ, thật tĩnh mịch, chẳng có chút sức sống, chẳng có một hơi thở, không còn những ý tưởng, chỉ có đồ vật, những đồ vật nhìn tôi cáo buộc. Xin lỗi, tôi nói với chiếc bàn vẽ trống trơn của tôi, với những cái khuôn và những chiếc hũ khô ráo, với nửa bức tượng đang làm dở dang. Chết non, tôi nghĩ thầm, nhìn vào phần lõi bức tượng bọc giấy màu xanh diên vĩ đã từng tràn đầy hi vọng hồi tháng Sáu. Hai tay tôi sạch sẽ, mềm và hồng hào. Tôi ghét chúng. Tôi ghét sự trống trải này. Tôi ghét đứa trẻ này. Không. Không. Tôi không ghét nó. Tôi chỉ không thể tìm được nó.

Tôi ngồi xuống bảng vẽ, bút chì trong tay, và một tờ giấy trắng trước mặt. Chẳng có gì đến. Tôi nhắm mắt lại; và tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là màu đỏ. Tôi lấy tuýp màu nước ra, màu đỏ đậm, và một nhúm bút vẽ, rồi đổ đầy nước vào lọ và bắt đầu lấp đầy màu đỏ lên tờ giấy trắng. Nó sáng lên long lanh. Tờ giấy mềm ra trong nước, và sẫm tối khi khô lại. Tôi nhìn nó khô. Nó có mùi gôm arabic. Ở giữa tờ giấy, tôi vẽ một quả tim, rất nhỏ, bằng mực đen, nó không phải một trái tim Valentine ngớ ngẩn mà là một quả tim thực sự, bé xíu, như của búp bê, rồi tôi vẽ các mạch máu mỏng manh ra tới tận mép của tờ giấy, móc vào quả tim nhỏ khiến nó trông như một con ruồi giữa mạng nhện. Thấy chưa, nhịp tim của thằng bé đây.

Trời đã tối. Tôi đổ nước trong lọ và rửa bút vẽ. Tôi khóa cửa xưởng đi qua khu vườn và vào nhà qua cửa sau. Henry đang làm sốt spaghetti. Anh ấy nhìn lên khi tôi bước vào.

“Em đã thấy khá hơn chưa?” anh ấy hỏi.

“Đã khá hơn”, tôi nói với anh ấy, và với chính mình.

Thứ Tư, 27/9/2000 (Clare 29 tuổi)

CLARE: Nó đang nằm trên giường. Có máu, nhưng không quá nhiều. Nó đang nằm ngửa, cố gắng thở, lồng ngực nhỏ xíu của nó run rẩy phập phồng, nhưng vẫn còn quá sớm, nó co giật, máu chảy ra từ dây rốn mỗi lần tim nó đập. Tôi quỳ gối bên cạnh giường và đỡ nó lên, đỡ thằng bé lên, con trai bé nhỏ của tôi, co giật như một con cá vừa mắc câu, chìm trong không khí. Tôi ôm thằng bé, rất nhẹ nhàng, nhưng nó không biết tôi đang ở đây, đang ôm nó. Nó trơn tuột và làn da gần như chưa thành hình, mắt nó nhắm chặt; tôi nghĩ đến việc hô hấp nhân tạo, gọi 911 và đến Henry. Ôi, làm ơn đừng đi trước khi Henry có thể nhìn thấy con nhưng hơi thở của nó đang nổi tăm, sinh vật biển bé nhỏ thở ra nước, rồi thằng bé mở to miệng và tôi có thể nhìn xuyên qua người nó, hai tay tôi trống trơn. Nó đã biến mất, đã biến mất.

Tôi không biết đã trôi qua bao lâu. Tôi quỳ gối và cầu nguyện. Chúa nhân từ. Chúa nhân từ. Chúa nhân từ. Đứa trẻ quẫy đạp trong bụng tôi. Suỵt. Hãy trốn đi.

Tôi tỉnh dậy trong bệnh viện. Henry đang ở đây. Đứa trẻ đã chết.

B ảy

Thứ Năm, 8/12/2000 (Henry 33 và 37tuổi, Clare 29 tuổi)

HENRY: Tôi đang đứng trong phòng ngủ của chúng tôi, ở tương lai. Đang là nửa đêm, nhưng ánh trăng đem đến cho căn phòng một vẻ sáng bừng đơn sắc phi thường. Hai tai tôi đang ù đi, như cách chúng vẫn thường xảy ra khi tôi ở tương lai. Tôi nhìn xuống Clare và tôi đang ngủ. Có cảm giác như cái chết. Tôi cuộn tròn người ngủ, đầu gối chạm vào ngực, trùm chăn kín mít, miệng hơi hé mở. Tôi muốn chạm vào tôi. Tôi muốn ôm tôi trong tay mình, nhìn vào mắt tôi. Nhưng chuyện đó sẽ không xảy ra; tôi đứng nhìn đăm đăm không dứt vào tôi đang ngủ của tương lai trong vài phút đằng đẵng. Cuối cùng tôi bước khẽ về phía Clare, quỳ xuống. Tôi cảm thấy hệt như đang ở trong hiện tại. Tôi cố quên đi cái thân thể khác của mình đang nằm trên giường để tập trung vào Clare.

Cô ấy cựa người, mở mắt. Cô ấy không chắc mình đang ở đâu. Tôi cũng vậy.

Tôi tràn ngập trong cảm hứng, trong sự khao khát được gắn kết với Clare mãnh liệt hết mức có thể, để được ở đây, lúc này. Tôi hôn nhẹ cô ấy hồi lâu. Cô ấy vẫn đang say sưa trong giấc ngủ, đưa tay lên mặt tôi và dần tỉnh táo hơn khi cảm nhận được sự vững chắc của tôi. Giờ thì Clare đã tỉnh; cô ấy vuốt dọc tay tôi âu yếm. Tôi cẩn thận gỡ tấm ga giường ra khỏi người cô ấy để khỏi kinh động đến bản thể khác của tôi, người mà Clare vẫn chưa nhận ra. Tôi tự hỏi liệu tôi khác này có không thể nào thức dậy, nhưng rồi tôi quyết định không tìm hiểu thêm, tôi nằm trên người Clare, che chắn hoàn toàn cô ấy bằng thân thể mình. Tôi ước gì có thể ngăn cô ấy khỏi quay đầu lại, nhưng cô ấy sẽ sớm quay đầu. Khi tôi bắt đầu đi vào trong Clare, cô ấy nhìn tôi và tôi nghĩ mình như không tồn tại. Một giây sau đó, cô ấy quay đầu đi và nhìn thấy tôi. Cô ấy kêu lên, không quá to, rồi quay lại nhìn tôi, đang ở trên cô ấy, bên trong cô ấy. Rồi cô ấy nhớ ra, và chấp nhận nó, việc này khá kì cục nhưng chẳng sao cả, trong khoảnh khắc đó tôi yêu cô ấy hơn cả cuộc sống này.

Thứ Hai, 12/12/2001 (Henry 37 tuổi, Clare 29 tuổi)

HENRY: Tâm trạng của Clare rất kì lạ suốt tuần vừa rồi. Cô ấy có vẻ lơ đễnh. Như thể có điều gì đó mà chỉ mình cô ấy nghe thấy đã thu hút tất cả sự chú ý của cô ấy, như thể cô ấy đang nhận sự tiết lộ từ Chúa, hay đang tìm cách đọc mã tín hiệu truyền từ vệ tinh của Nga trong đầu cô ấy. Khi tôi hỏi, cô ấy chỉ mỉm cười và nhún vai. Thật không giống với Clare một chút nào, nên tôi cảnh giác.

Tôi trở về nhà từ nơi làm việc một buổi tối nọ và chỉ nhìn Clare tôi đã biết có chuyện gì đó tồi tệ vừa xảy ra. Biểu hiện của cô ấy vừa có vẻ sợ hãi, vừa van nài. Cô ấy tiến lại gần tôi rồi dừng lại, chẳng nói gì. Có lẽ ai đó đã qua đời. Ai? Bố tôi? Kimy? Philip?

“Em hãy nói gì đi”, tôi hỏi. “Có chuyện gì xảy ra vậy?”

“Em đã có mang.”

“Làm thế nào.. ” tôi biết làm thế nào. “Quên đi, anh nhớ ra rồi”. Đối với tôi, đêm đó đã là nhiều năm trước, nhưng đối với Clare nó chỉ vài tuần trước. Tôi đã đến từ năm 1996, khi chúng tôi đang gắng hết sức để thụ thai, và Clare hầu như còn chưa tỉnh giấc. Tôi nguyền rủa chính mình vì sơ suất ngu ngốc đó. Clare đang đợi tôi nói gì đó. Tôi buộc chính mình phải mỉm cười.

“Bất ngờ lớn nhỉ?”

“Phải.” Cô ấy có vẻ chực khóc. Tôi ôm cô ấy vào lòng và cô ấy ôm lại tôi thật chặt.

“Em sợ không?” tôi thì chầm vào tai Clare.

“Có.”

“Trước đây em chưa bao giờ sợ.”

“Trước đây em đã sợ. Nhưng giờ em biết...”

“Biết nó là gì.”

“Biết điều gì sẽ xảy ra.” Chúng tôi đứng và nghĩ về điều sẽ xảy ra.

Tôi ngập ngừng. “Chúng ta có thể...” tôi bỏ lửng câu nói.

“Không. Em không thể.” Phải rồi. Clare không thể. Một lần theo Công Giáo, cả đời theo Công Giáo.

Tôi nói, “Có thể sẽ không sao cả. Một tai nạn hạnh phúc.”

Clare mỉm cười, và tôi nhận ra rằng cô ấy muốn điều này, rằng cô ấy thực sự hi vọng 7 sẽ là con số may mắn của chúng tôi. Cổ họng tôi nghẹn lại, và tôi phải quay mặt đi chỗ khác.

Thứ ba, 20/2/2001 (Clare 29 tuổi, Henry 37 tuổi)

CLARE: Đồng hồ trên radio đang điểm 7 giờ 46 phút sáng, và đài trung ương đang tiếc thương nói với tôi rằng có một vụ tai nạn máy bay ở đâu đó, 86 người đã chết. Tôi chắc rằng mình là một trong số họ. Phía giường của Henry đang trống trơn. Tôi nhắm mắt lại và thấy mình đang nằm trên chiếc giường nhỏ trong cabin của một chiếc du thuyền, lênh đênh giữa biển cả dữ dội. Tôi thở dài và cẩn thận bước xuống giường, đi vào nhà vệ sinh. Tôi vẫn đang nôn mười phút sau đó khi Henry thò đầu vào cửa và hỏi tôi có ổn không. “Tuyệt. Chưa bao giờ khỏe hơn.”

Anh ấy ngồi xuống thành bồn tắm. Tôi thà không có khán giả chứng kiến cảnh tượng này. “Anh có nên lo lắng không? Trước đây em chưa bao giờ ốm nghén.”

“Amit nói đây là dấu hiệu tốt; em phải nôn.” Nó có liên quan gì đấy đến việc cơ thể tôi tiếp nhận đứa trẻ như một phần của tôi, thay vì như một cơ thể xa lạ. Amit đã đưa cho tôi loại thuốc mà họ đưa cho các bệnh nhân sau khi cấy ghép nội tạng.

“Có lẽ chốc nữa anh nên đi hiến thêm máu cho em.” Henry và tôi cùng nhóm máu O. Tôi gật đầu và lại nôn. Chúng tôi là ngân hàng máu của nhau; anh ấy đã phải truyền máu hai lần, còn tôi ba lần, một trong những lấn ấy cần một lượng máu lớn. Tôi ngồi đó một lúc rồi lảo đảo đứng dậy. Henry giữ cho tôi đứng vững. Tôi lau miệng và đánh răng. Henry xuống dưới nhà chuẩn bị bữa sáng. Một cơn thèm cháo yến mạch không thể cưỡng nổi dấy lên trong tôi.

“Anh nấu cháo yến mạch nhé!” tôi hét vọng xuống dưới nhà.

“Được rồi!”

Tôi bắt đầu chải tóc. Hình ảnh của tôi trong gương hồng hào và sưng húp. Tôi tưởng phụ nữ có mang đáng lẽ phải đỏ hây hây. Tôi chẳng hây hây chút nào. Ừ thì, tôi vẫn có mang, và đó là tất cả những gì đáng bận tâm.

Thứ Năm, 19/4/2001 (Henry 37 tuổi, Clare 29 tuổi)

HENRY: Chúng tôi đang ở văn phòng của Amit Montague để siêu âm. Clare và tôi vừa nóng lòng vừa miễn cưỡng làm việc này. Chúng tôi không đồng ý chọc ối, vì chúng tôi biết chắc rằng sẽ mất đứa bé nếu chọc nó bằng một cây kim khổng lồ. Clare đã có mang 18 tuần. Đã được nửa đường; nếu chúng tôi có thể gập thời gian lại làm hai như bài kiểm tra Rorschach thì đây sẽ là điểm gấp chính giữa. Chúng tôi sống trong tình trạng phập phồng lo lắng, e ngại không dám thở vì sợ sẽ thổi đứa bé ra quá sớm.

Chúng tôi ngồi trong phòng đợi với các cặp sớm thành phụ huynh khác và những bà mẹ đẩy xe nôi, những đứa trẻ chập chững chạy quanh rồi ngã bổ vào đồ đạc. Văn phòng của bác sĩ Montague luôn khiến tôi sầu não, vì chúng tôi đã dành quá nhiều thời gian ở đây, lo lắng và không ngừng nghe những tin không vui. Nhưng hôm nay thì khác. Hôm nay mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

Y tá gọi tên chúng tôi. Chúng tôi vào phòng khám. Clare cởi quần áo ra, nằm lên bàn và đang được bôi trơn, được nội soi. Kĩ thuật viên theo dõi màn hình. Amit Montague, một phụ nữ cao ráo quý phái người Pháp, theo dõi màn hình. Clare và tôi nắm chặt tay nhau. Chúng tôi cùng theo dõi màn hình. Từ từ, hình ảnh được hiện lên, từng chút một.

Trên màn hình là bản đồ thời tiết của thế giới. Hoặc một dải ngân hà, vòng xoáy của những vì sao. Hoặc là một đứa trẻ.

“Là một bé gái”, bác sĩ Montague nói. “Cô bé đang mút ngón tay cái của mình. Cô bé rất kháu khỉnh. Và rất lớn.”

Clare và tôi thở phào. Dải ngân hà xinh xắn trên màn hình đang mút ngón tay cái của nó. Trước sự chứng kiến của chúng tôi, con bé đưa tay ra khỏi miệng. Bác sĩ Montague nói, “Cô bé đang mỉm cười”. Và chúng tôi cũng vậy.

Thứ Hai, 20/8/2001 (Clare 30, Henry 38)

CLARE: Con bé sẽ được sinh ra sau hai tuần nữa và chúng tôi vẫn chưa quyết định được sẽ đặt tên nó là gì. Thậm chí, chúng tôi hầu như không hề trao đổi về chuyện này, chúng tôi lảng tránh chủ đề này một cách mê tín, như thể việc đặt tên sẽ khiến ba nữ thần Furies để ý đến nó và đầy đọa nó. Cuối cùng Henry mang về nhà cuốn Từ điển Tên.

Chúng tôi đang nằm trên giường. Lúc này là 8 giờ 30 phút tối, và tôi rất mệt. Tôi nằm nghiêng người, bụng tôi là cả một bán đảo, đối diện với Henry cũng đang nằm nghiêng, đầu dựa vào tay, cuốn sách được đặt giữa chúng tôi. Chúng tôi nhìn nhau, mỉm cười lo lắng.

“Em có ý tưởng nào không?” anh ấy nói, đọc lướt qua cuốn sách.

“Jane”, tôi trả lời.

Anh ấy nhăn mặt. “Jane ?”

“Em thường đặt tên cho tất cả những con búp bê và thú nhồi bông của mình là Jane. Tất cả.”

Henry tìm đến nó. “Nó có nghĩa là Quà tặng của Chúa.”

“Em thích như vậy.”

“Hãy chọn tên nào đó khác lạ một chút. Em thấy Irette thế nào? Hay Jodotha?” Anh ấy lật sách. “Tên này hay: Loololuluah. Tiếng Ả rập, có nghĩa là Ngọc Trai.”

“Tên Pearl[1] thì thế nào?” Tôi tưởng tượng con bé như một quả bóng trắng mịn màng óng ánh.

[1] Pearl: Ngọc trai.

“Ôi. Cuốn sách này dở tệ.” Tôi giật lấy nó từ tay Henry, và để tiêu khiển, tôi tìm “Henry (tên Đức) Người trị vì tổ ấm: người cai quản nơi trú ngụ.”

Anh ấy cười. “Tìm Clare đi.”

“Chỉ là một cách viết khác của Clara (tiếng Latin): rạng rỡ, sáng sủa.”

“Tên hay”, anh ấy nói.

Tôi lật sách ngẫu nhiên. “Philomele?”

“Anh thích cái tên đó”, Henry nói. “Nhưng biệt danh của nó mới khủng khiếp làm sao, Philly? Mel?”

“Pyrene (Hy Lạp) Tóc đỏ?”

“Nếu tóc con bé không đỏ thì sao?” Henry với tay qua quyển sách và túm một nắm tóc của tôi, rồi đặt ngọn tóc vào miệng anh ấy. Tôi giật nó lại và đẩy ra sau lưng.

“Em tưởng chúng ta đã biết tất cả những gì cần biết về con bé. Chắc hẳn Kendrick đã kiểm tra nếu tóc nó đỏ hay không?” tôi nói.

Henry lấy lại quyển sách. “Yseult? Zoe? Zoe được đấy.”

“Nó có nghĩa gì?”

“Cuộc sống?”

“Hay đấy. Hãy đánh dấu lại.”

“Eliza”, Henry đề nghị.

“Elizabeth.”

Henry nhìn tôi, ngập ngừng. “Annette.”

“Lucy.”

“Không.” Henry nói chắc nịch.

“Thì không”, tôi đồng ý.

“Điều chúng ta cần là một sự khởi đầu mới”, Henry nói, “Một bắt đầu mới. Hãy gọi con bé là Tấm Bảng Trắng.”

“Hoặc Titan Trắng.”

“Blanche, Blanca, Bianca...”

“Alba”, tôi nói.

“Như trong nữ công tước?”

“Alba DeTamble.”

“Nghe hay đấy, tất cả các âm tiết đôi nhỏ, nhịp nhàng...” Anh ấy lật tìm trong sách. “Alba: Trắng (tiếng Latin), Bình minh của ngày mới (tiếng Roman). Hừm.” Henry tụt xuống giường. Tôi có thể nghe thấy tiếng anh ấy sục sạo trong phòng khách; anh ấy trở lại sau vài phút với Tập I của OED trên tay, cuốn từ điển Random House to bự và cuốn Bách khoa Văn hóa Hoa Kì Tập I cũ kĩ của tôi. “Khúc nhạc sớm của những nhà thơ Roman... dành tặng những cô nhân tình. ‘Reveilles, a Vaurore, par le cri du guet-teur, deux amants qui viennent de passer la nuit ensemble se separent en maudissant le jour qui vient trop tat; tel est le theme, non moins invariable que celui de la pastourelle, d’un genre dontle nom est emprunte au mot alba, qui figure parfois au debut de la piece. Et regulkrement a la fin de chaqtie couplet, ou ilforme refrain.’[2] Thật buồn làm sao. Thử Random House nhé. Cái này khá hơn. ‘Thành phố trắng trên đồi. Một pháo đài.’” Henry ném cuốn Random House xuống đất và mở cuốn bách khoa toàn thư. “Aesop, Age of Reason[3], Alaska... đây rồi, Alba.” Anh ấy lướt qua lời giải thích. “Một loạt các thành phố đã bị xóa sổ ở Italy cổ đại. Và Công tước Alba.”

[2] Bị đánh thức khi tới Vaurore bởi tiếng quát của người canh gác, đôi tình nhân vừa qua đêm cùng nhau liền chia tay và nguyền rủa trời sao mau sáng. Chủ đề ấy, cũng thường xuất hiện nhự chủ đề cô nàng mục đồng, mượn từ chữ alba xuất hiện đôi lần ngay từ đầu vở diễn. Và cứ thế đều đặn, cuối mỗi đoạn, nó trở thành một điệp khúc. (Tạm dịch)

[3] Age of Reason (Thời đại lí tính): Phong trào ủng hộ lí tính trong việc chấp nhận các ý tưởng và thể chế xã hội ở thế kỉ 18.

Tôi thở dài rồi nằm ngửa ra. Con bé đang cựa mình. Chắc hẳn nó đang ngủ nãy giờ. Henry tiếp tục đọc. “Chuyện tình, con Tatu. Vú. Chúa ạ, dạo này họ in đủ thứ tạp nham.” Anh ấy lướt tay xuống dưới áo ngủ của tôi, chậm rãi di chuyển nó trên cái bụng tròn căng của tôi. Con bé đạp mạnh ngay chỗ tay anh ấy đang để. Henry nhìn tôi sửng sốt. Hai bàn tay anh ấy rong đuổi tìm đường vượt qua những địa hình quen thuộc lẫn xa lạ. “Em có thể nhét thêm bao nhiêu DeTamble vào đó nữa?”

“Lúc nào cũng đủ chỗ cho một người nữa.”

“Alba”, anh ấy nói khẽ.

“Một thành phố trắng. Một pháo đài vững chãi trên ngọn đồi tinh khôi.”

“Con bé sẽ thích cái tên đó.” Henry kéo quần lót của tôi ra. Anh ấy ném nó xuống đất và nhìn tôi.

“Cẩn thận...,” tôi bảo anh ấy.

“Rất cẩn thận”, anh ấy đồng tình, trong lúc cởi bỏ quần áo của mình.

Tôi cảm thấy mênh mông rộng lớn, như một đại lục giữa biển gối và chăn. Henry cúi xuống tôi, chuyển động bên trên tôi, như một nhà thám hiểm đang khám phá làn da của tôi bằng lưỡi. “Chậm thôi, chậm thôi...” tôi ái ngại.

“Một khúc nhạc được cất lên bởi những người hát rong giữa hừng đông...” anh ấy thì thầm với tôi trong lúc đi vào trong tôi.

“... tới những cô nhân tình của họ”, tôi đáp lại. Mắt tôi nhắm chặt và tiếng Henry xa xăm như vọng lại từ phòng bên:

“Cứ thế...” và rồi, “Ôi. Ôi!”

Alba, lời giới thiệu

Thứ Tư, 16/11/2011 (Henry 38 tuổi, Clare 40 tuổi)

HENRY: Tôi đang đứng trong phòng tranh chủ nghĩa Siêu Thực ở Viện Nghệ thuật Chicago trong tương lai. Tôi ăn mặc không được hoàn hảo; tất cả những gì tôi có thể kiếm được là một chiếc áo choàng mùa đông dài màu đen lấy từ phòng gửi áo khoác và quần từ tủ đồ của bảo vệ. Tôi đã tìm cách kiếm được một đôi giày, mà vốn luôn là thứ khó kiếm nhất. Tôi quyết định sẽ thó một chiếc ví, mua áo phông trong cửa hàng của bảo tàng, đi ăn trưa, ngắm tranh, rồi sẽ chuồn ra khỏi tòa nhà, vào trong thế giới của những cửa hàng và khách sạn. Tôi không biết mình đang ở thời gian nào. Ngoài kia, quần áo và đầu tóc không quá khác so với năm 2001. Tôi vừa phấn khích vì sự tạm trú ngắn ngủi này, vừa thấy phiền vì trong hiện tại của tôi, Clare sắp sửa sinh Alba bất kì lúc nào, và hiển nhiên tôi rất muốn có mặt trong thời khắc đó, nhưng mặt khác đây là một trong những lần du hành vào tương lai tốt đẹp đến bất bình thường. Tôi cảm thấy khỏe khoắn và rất thực, rất tốt. Vậy nên tôi đứng im lặng trong căn phòng tối với những chiếc hộp của Joseph Cornell được rọi sáng và ngắm nhóm học sinh đang đi theo một hướng dẫn viên, tay chúng cầm ghế và ngồi lên ngoan ngoãn khi bà ấy bảo chúng ổn định.

Tôi quan sát nhóm học sinh. Hướng dẫn viên, vẫn như thông thường, là một phụ nữ chải chuốt tuổi ngũ tuần với tóc vàng thường và khuôn mặt căng đét. Giáo viên, một cô gái trẻ vui tính tô son màu xanh nhạt, đứng sau đám học sinh, sẵn sàng chặn đứng đứa trẻ nào muốn gây náo loạn. Đám học sinh mới là những người khiến tôi hứng thú. Chúng chỉ chừng mười tuổi, tôi đoán khoảng lớp năm. Đây là học sinh trường Công Giáo nên chúng đều mặc quần áo giống nhau, sọc xanh cho các nữ sinh và xanh nước biển cho nam sinh. Chúng tỏ ra chăm chú và lễ phép, nhưng không hứng thú. Thật tệ. Tôi nghĩ Cornell sẽ rất hợp với lũ trẻ. Nhân viên hướng dẫn có vẻ nghĩ rằng chúng nhỏ hơn tuổi thực của chúng, bà ấy nói chuyện với chúng như thể chúng là những đứa trẻ mới chập chững biết đi. Cô bé ngồi hàng cuối có vẻ chăm chú hơn số còn lại. Tôi không thể nhìn thấy mặt cô bé. Cô bé có mái tóc đen dài quăn tít và bộ váy màu xanh con công, tách biệt cô bé khỏi đám bạn còn lại. Cứ mỗi lần hướng dẫn viên hỏi gì là tay cô bé lại giơ lên, nhưng bà hướng dẫn viên không bao giờ gọi cô bé. Tôi có thể thấy cô bé đang bắt đầu cảm thấy buồn chán.

Nhân viên hướng dẫn đang nói về những chiếc hộp Chuồng Chim của Cornell. Mỗi hộp là một sự trống trải vắng lặng, và nhiều trong số chúng có phần bên trong được sơn trắng, có cành chim đậu và những cái lỗ mà một cái nhà chim phải có. Một số hộp có các bức ảnh của những con chim trong đó. Chúng là những tác phẩm giản dị nhất, mộc mạc nhất của ông ấy, không có cái kì quái của Bộ Bong Bóng Xà Phòng hay cái lãng mạn của những chiếc hộp Khách Sạn.

“Các cháu nghĩ tại sao ông Cornell lại tạo ra những chiếc hộp này?” Hướng dẫn viên rạng rỡ nhìn lũ trẻ một lượt để tìm câu trả lời, tảng lờ cô bé xanh-con-công, người đang vẫy tay như thể cô bé bị động kinh. Một cậu bé ngồi hàng đầu bẽn lẽn nói rằng chắc hẳn người nghệ sĩ rất thích chim. Điều này vượt quá sức chịu đựng của cô bé. Cô bé đứng dậy, tay vẫn chĩa thẳng lên trời. Bà hướng dẫn viên bất đắc dĩ phải nói, “Sao?”

“Ông ấy đã làm ra những chiếc hộp này vì ông ấy cảm thấy cô đơn. Ông ấy không có ai để yêu. Ông ấy đã làm ra những chiếc hộp này để có thể yêu chúng, và để người khác biết đến sự tồn tại của mình, và vì những con chim là các sinh vật tự do, những chiếc hộp này sẽ là nơi ẩn náu của chúng để chúng cảm thấy an toàn, ông ấy muốn được tự do và an toàn. Những chiếc hộp này dành cho ông ấy để ông ấy có thể trở thành một con chim.” Cô bé ngồi xuống.

Tôi sửng sốt trước câu trả lời của cô bé. Lại có một cô bé mười tuổi đồng cảm được với Joseph Cornell. Cả bà hướng dẫn viên lẫn đám trẻ chẳng biết phản ứng thế nào trước điều này, nhưng cô giáo trẻ, người hiển nhiên đã quen với cách hành xử của cô bé, nói, “Cảm ơn em, Alba. Đó là một hiểu biết rất sâu sắc.” Cô bé quay đầu, mỉm cười cảm kích với cô giáo, và tôi đã có thể nhìn thấy mặt cô bé, tôi đang nhìn con gái mình. Tôi đang đứng ở phòng triển lãm ngay bên cạnh, nên tôi tiến thêm vài bước để nhìn con bé, để gặp con bé, và nó nhìn thấy tôi, khuôn mặt nó bỗng trở nên rạng ngời, và con bé nhảy lên, xô ngã chiếc ghế gấp nhỏ của nó, và trước khi tôi kịp nhận ra, tôi đã đang ôm Alba trong lòng, giữ nó thật chặt, khuỵu gối trước mặt con bé trong vòng tay, con bé không ngừng nói, “Bố ơi!”

Tất cả mọi người há hốc miêng. Cô giáo của con bé vội chạy lại.

Cô ấy nói, “Alba, đây là ai vậy? Xin lỗi ông, ông là ai vậy?”

“Tôi là Henry DeTamble, bố của Alba.”

“Đây là bố của em!”

Cô giáo lộ vẻ lo lắng. “Nhưng bố của Alba đã mất.”

Tôi không nói nên lời. Nhưng Alba, con gái của tôi đã giải cứu tình thế.

“Bố em đã chết”, con bé nói với cô giáo. “Nhưng không tiếp tục chết.”

Tôi lấy lại bình tĩnh. “Rất khó để giải thích...”

“Bố em là CDP”, Alba nói, “giống em”. Điều này có vẻ hoàn toàn hợp lí đối với cô giáo, cho dù tôi chẳng hiểu gì. Cô giáo hơi tái mặt bên dưới lớp trang điểm nhưng có vẻ cảm thông. Alba bóp tay tôi, ý con bé muốn bảo tôi hãy nói gì đi.

“Cô...”

“Cooper.”

“Cô Cooper, liệu tôi có thể gặp riêng Alba vài phút được không? Chỉ để nói chuyện, ở đây. Chúng tôi không được gặp nhau thường xuyên cho lắm.”

“Tôi... chúng tôi đang đi dã ngoại... với cả lớp... tôi không thể để ông tách cháu ra khỏi đoàn, và tôi không thực sự biết liệu ông có phải là ông DeTamble hay không...”

“Hãy gọi cho mẹ”, Alba nói. Con bé chạy lại cặp của mình và lôi ra một chiếc điện thoại di động. Nó bấm số và tôi nghe tiếng chuông reo, có người nhấc máy ở đầu bên kia và Alba nói, “Mẹ?... Con đang ở Viện Nghệ thuật... Không, con vẫn ổn... Mẹ ơi, bố đang ở đây! Mẹ hãy bảo cô Cooper đây thực sự là bố nhé?... Dạ, được ạ, chào mẹ!” Con bé đưa điện thoại cho tôi. Tôi ngập ngừng, lấy lại bình tĩnh.

“Clare?” Có tiếng thở vội vã. “Clare?”

“Henry! Ôi Chúa ơi, em không thể tin được. Hãy về nhà đi!”

“Anh sẽ cố...”

“Anh đến từ năm nào?”

“2001. Ngay trước khi Alba ra đời.” Tôi mỉm cười với Alba. Con bé đang tựa vào tôi, nắm tay tôi.

“Có lẽ em nên đến đó.”

“Như vậy sẽ nhanh hơn. Em có thể nói với cô giáo rằng anh thực sự là anh không?”

“Dĩ nhiên rồi. Anh sẽ đứng đâu đợi?”

“Trước những con sư tử. Hãy đến nhanh hết mức có thể. Anh không còn ở lại lâu.”

“Em yêu anh.”

“Anh yêu em, Clare.” Tôi ngập ngừng, rồi đưa điện thoại cho cô Cooper. Cô ấy và Clare trao đổi nhanh, Clare thuyết phục cô ấy để tôi đưa Alba tới cổng bảo tàng, nơi Clare sẽ gặp chúng tôi. Tôi cảm ơn cô Cooper, người đã rất đáng mến trước tình huống kì quái này. Tôi và Alba bước đi tay trong tay ra khỏi gian Morton, xuống những bậc cầu thang xoắn ốc và đi vào gian đồ gốm Trung Quốc. Tâm trí tôi đang hỗn loạn với những câu hỏi không biết phải bắt đầu từ đâu.

Alba nói, “Cảm ơn bố về những đoạn băng video, mẹ đã đưa nó cho con vào ngày sinh nhật.” Đoạn băng nào? “Con có thể mở ổ Yale và Master rồi, giờ con đang tập mở Walters.”

Ổ khóa. Con bé đang tập cạy khóa. “Tuyệt lắm. Hãy tiếp tục thực hành. Alba này.”

“Dạ?”

“CDP là gì?”

“Người dịch chuyển thời gian[1].” Chúng tôi ngồi lên chiếc ghế băng trước mặt con rồng bằng sứ đời Đường. Alba ngồi đối diện với tôi, tay đặt trên đùi. Con bé giống hệt tôi hồi mười tuổi. Tôi không thể tin chuyện này một chút nào. Alba thậm chí còn chưa ra đời mà giờ đã ngồi đây, lớn khôn như Athena sinh ra từ trán Zeus. Tôi cúi xuống ngang bằng con bé. “Con biết không, đây là lần đầu tiên bố gặp con.”

[1] Nguyên gốc: Chrono-Displaced Person.

Alba mỉm cười. “Bố khỏe không?” Con bé là đứa trẻ điềm tĩnh nhất mà tôi từng gặp. Tôi chăm chú nhìn nó: Clare ở đâu trong đứa trẻ này?

“Chúng ta có hay gặp nhau không?”

Con bé suy nghĩ. “Không nhiều ạ. Đã hơn một năm rồi. Con đã gặp bố vài lần khi con tám tuổi.”

“Bố mất khi con bao nhiêu tuổi?” Tôi nín thở. “Năm.” Chúa ơi. Tôi không thể đối mặt với chuyện này.

“Con xin lỗi! Con không nên nói ra điều đó?” Alba hối hận. Tôi ôm con bé vào lòng. “Không sao đâu. Là bố đã hỏi mà, phải không?” Tôi hít một hơi dài. “Mẹ con khỏe chứ?”

“Bình thường ạ. Mẹ lúc nào cũng buồn.” Điều này đâm xé ruột gan tôi. Tôi thấy mình không muốn biết thêm chuyện gì nữa.

“Còn con? Trường lớp thế nào? Con đang được học gì?”

Alba cười rạng rỡ. “Con không học nhiều ở trường, nhưng con đang đọc về tất cả các nhạc cụ thuở khai sinh, về Ai Cập, mẹ và con đang đọc Chúa tể của những chiếc nhẫn, và con đang học điệu tăng-gô của Astor Piazzolla.”

Ở tuổi lên mười? Trời đất quỷ thần ơi. “Còn vĩ cầm thì sao? Ai dạy con?”

“Ông nội.” Trong khoảnh khắc tôi đã tưởng con bé muốn ám chỉ ông nội của tôi, và rồi tôi nhận ra nó muốn nói đến bố tôi. Điều này thật tuyệt. Nếu bố chịu dành thời gian cho Alba, chắc hẳn nó phải chơi rất khá.

“Con chơi có giỏi không?” Một câu hỏi bất lịch sự làm sao.

“Có. Con rất giỏi.”

“Tạ ơn Chúa. Bố đã chẳng có năng khiếu âm nhạc một chút nào”.

“Đó là những gì ông nội vẫn thường nói.” Con bé khúc khích cười.“Nhưng bố thích âm nhạc.”

“Bố yêu âm nhạc. Bố chỉ không thể tự chơi nó.”

“Con đã nghe bà ngoại hát. Bà thật tuyệt vời.”

“Con đã nghe đĩa nào?”

“Con đã gặp bà trực tiếp. Ở rạp hát Lyric. Bà đã hát Aida.”

Bố em là CDP, giống em. Ôi, chết tiệt. “Con cũng du hành thời gian?”

“Dĩ nhiên rồi ạ.” Alba mỉm cười hạnh phúc. “Mẹ luôn nói con và bố giống hệt nhau. Bác sĩ Kendrick nói con rất phi thường.”

“Tại sao lại như vậy?”

“Đôi khi con có thể chọn thời gian và địa điểm con muốn đến.” Alba có vẻ tự hào với bản thân; tôi ghen tị với con bé.

“Con có thể không đi nếu con không muốn?”

“Không ạ”, con bé có vẻ ngượng ngùng. “Nhưng con thích du hành. Ý con là, đôi khi nó bất tiện, nhưng nó khá thú vị, bố biết mà?” Phải. Tôi biết.

“Nếu con có thể đi đến nơi con muốn, hãy đến thăm bố.”

“Con đã thử. Có lần con đã nhìn thấy bố trên đường; bố đang đi với một người phụ nữ tóc vàng. Bố có vẻ đang bận.” Alba đỏ mặt và đột nhiên hình ảnh Clare hiện lên nhìn tôi len lén chỉ trong một phần triệu giây.

“Đó là Ingrid. Bố đã hẹn hò với cô ấy trước khi gặp mẹ.” Tôi tự hỏi tôi đang làm gì lúc đó mà đến nỗi Alba phải ngượng ngùng; tôi cảm thấy một nỗi day dứt bùng lên, hối hận vì đã để lại hình ảnh tồi tệ trong tâm trí của cô con gái đáng yêu và trong sáng này. “Chúng ta nên ra ngoài đợi mẹ thôi?” Tiếng rè the thé đã bắt đầu vang lên, tôi chỉ hi vọng Clare sẽ đến kịp trước khi tôi biến mất. Alba và tôi đứng dậy rồi nhanh chóng ra ngoài. Trời đang vào cuối thu, Alba không mang theo áo khoác nên tôi choàng áo của tôi lên cả hai. Tôi tựa người vào phiến đá gra-nít đang đỡ cho một trong những con sư tử, mặt quay về hướng nam, và Alba tựa vào tôi, đút tay vào túi áo choàng, nép mình vào tấm thân trần của tôi, chỉ có đầu con bé ló ra ngoài. Một ngày mưa tầm tã. Giao thông đang chuyển mình bơi lội dọc đại lộ Michigan. Tôi say sưa trong tình yêu tràn ngập mà tôi dành cho đứa trẻ này, người đang nép vào tôi như thể con bé thuộc về tôi, như thể chúng tôi sẽ không bao giờ chia lìa, như thể chúng tôi có tất cả thời gian trên đời này. Tôi bám vào khoảnh khắc này, chiến đấu chống lại sự mệt mỏi và sự triệu hồi của thời gian của chính tôi. Hãy để tôi ở lại, tôi khẩn nài cơ thể của mình, khẩn nài Chúa, Đức Cha Thời Gian, và Santa, cầu xin bất kể ai đang lắng nghe. Hãy để tôi được gặp Clare, rồi tôi sẽ ngoan ngoãn trở về.

“Mẹ kia rồi”, Alba nói. Một chiếc xe màu trắng xa lạ đối với tôi đang phóng về phía chúng tôi. Nó tấp vào ngã tư và Clare nhảy ra, để mặc chiếc xe ở đó cản trở giao thông.

“Henry!” Tôi gắng chạy về phía cô ấy, và ngã xuống bậc tam cấp, tôi với tay về phía Clare. Alba đang ôm tôi và hét lên điều gì đó, Clare chỉ còn cách tôi vài bước chân. Tôi sử dụng chút ý chí cuối cùng để nhìn Clare, người có vẻ thật xa vời, và tôi nói rõ hết mức có thể, “Anh yêu em”, rồi biến mất. Chết tiệt. Chết tiệt.

7giờ 20 phút tối, thứ Sáu, 24/8/2001 (Clare 30 tuổi, Henry 38 tuổi)

CLARE: Tôi đang nằm trên chiếc đi-văng tả tơi trong vườn, sách và tạp chí nằm ngổn ngang xung quanh, cốc nước chanh đặt bên cạnh chỉ còn một nửa đã loãng đi vì những viên đá đã tan chảy. Trời đang bắt đầu mát hơn một chút. Không lâu trước đó trời nóng gần 30°C; giờ những cơn gió mát đang hiu hiu thổi và những con ve đang hát bài ca mùa hè muộn. Mười lăm chiếc máy bay đã vụt qua mặt tôi trên đường đi đến O’Hare từ khoảng không xa xăm bất định. Cái bụng căng tròn của tôi đang lù lù trước mặt, neo tôi lại với vị trí này. Henry đã biến mất từ tám giờ sáng hôm qua và tôi đang bắt đầu lo lắng. Lỡ như tôi trở dạ khi anh ấy không có ở đây? Lỡ như tôi sinh con mà anh ấy vẫn chưa về? Lỡ như anh ấy bị thương? Lỡ như anh ấy đã chết? Lỡ như tôi chết? Những suy nghĩ này đuổi nhau trong đầu tôi như những tấm khăn lông thú mà các quý bà ngày xưa vẫn hay quàng quanh cổ, với cái đuôi che miệng; chúng chạy vòng quanh không thôi cho đến khi tôi không thể chịu đựng thêm một giây phút nào nữa. Thông thường tôi gặm nhấm nỗi lo trong vòng xoáy của các hoạt động; tôi lo lắng cho Henry trong lúc đang dọn dẹp xưởng hay đang giặt chín mẻ quần áo, hay đang kéo ba chồng giấy nặng. Nhưng giờ tôi chỉ nằm đây, mắc kẹt vì cái bụng trong ánh nắng cuối ngày ngoài sân trong lúc Henry đang ở ngoài kia làm những việc chỉ có Chúa mới biết. Ôi, Chúa. Hãy mang anh ấy trở về. Ngay bây giờ.

Nhưng chẳng có gì xảy ra. Ông Panetta lái xe vào hẻm, cửa ga-ra của ông ấy mở ra ầm ĩ rồi đóng lại. Một chiếc xe tải GoodHumor đến rồi đi. Những con đom đóm bắt đầu cuộc hoan lạc của chúng. Vẫn không có Henry.

Tôi bắt đầu đói. Tôi sẽ chết đói trong khu vườn này vì Henry không có ở đây để nấu bữa tối. Alba đang cựa quậy. Tôi cân nhắc việc đứng dậy và đi vào bếp chuẩn bị gì đó để ăn. Nhưng rồi tôi quyết định làm một việc mà tôi vẫn hay làm mỗi khi Henry không ở bên cạnh để nấu cho tôi. Tôi đứng dậy chậm rãi, và thong dong bước vào trong nhà. Tôi tìm túi xách của mình, bật điện, rồi đi ra ngoài cửa trước và khóa lại. Thật dễ chịu khi được di chuyển. Một lần nữa tôi ngạc nhiên, rồi ngạc nhiên vì thấy mình ngạc nhiên, rằng tôi chỉ to bự ở một phần của cơ thể, như một người phẫu thuật thẩm mỹ bị hỏng, như những phụ nữ của các bộ lạc Âu Phi, những người mà quan điểm về cái đẹp là phải có cổ, môi và dái tai dài cực độ. Tôi giữ thăng bằng cơ thể của mình và Alba, và trong điệu nhảy song sinh của người Xiêm này, chúng tôi đi về phía nhà hàng Thái Opart.

Bên trong nhà hàng mát mẻ và chật kín người. Tôi được dẫn tới chiếc bàn cạnh cửa sổ. Tôi gọi nem cuốn và Pad Thai với đậu phụ, nhạt nhẽo và an toàn. Tôi uống hết cốc sữa. Alba tựa người vào bàng quang của tôi; tôi vào nhà vệ sinh và khi quay lại, thức ăn đã được dọn ra. Tôi ăn. Tôi hình dung ra câu chuyện sẽ nói với Henry nếu anh ấy ở đây. Tôi tự hỏi anh ấy đang đi đâu. Tôi lục tìm trong trí nhớ để so sánh Henry đã biến mất khi đang mặc quần ngày hôm qua có giống với bất kì Henry nào tôi đã gặp lúc còn nhỏ hay không. Thật lãng phí thời gian; tôi sẽ chỉ đợi anh ấy kể cho tôi nghe khi trở về. Có thể anh ấy đã trở về. Tôi phải ngăn mình không lao ra khỏi nhà hàng để đi kiểm chứng. Món ăn tiếp theo được mang tới. Tôi vắt chanh lên mì và xúc vào miệng. Tôi tưởng tượng ra Alba, nhỏ xíu và đỏ hỏn, đang cuộn tròn bên trong tôi và ăn Pad Thai bằng đôi đũa nhỏ mảnh dẻ. Tôi tưởng tượng ra cảnh tôi đang nói chuyện với mái tóc đen dài và đôi mắt xanh. Con bé mỉm cười nói, “Cảm ơn mẹ”. Tôi mỉm cười và đáp lại, “Không có gì, đó là hạnh phúc của mẹ.” Con bé có một con thú nhồi bông nhỏ trong đó, nó đặt tên cho con thú là Alfonzo. Alba đút đậu phụ cho Alfonzo ăn. Tôi dừng bữa. Tôi ngồi đó nghỉ ngơi chốc lát.

Có ai đó ở bàn bên cạnh châm thuốc. Tôi trả tiền và đứng dậy ra về.

Tôi lảo đảo đi qua đại lộ Western. Một chiếc xe chở các thanh niên Puerto Rico đang hét gì đó với tôi nhưng tôi không kịp nghe. Về đến hiên nhà, tôi lần mò tìm chìa khóa và Henry mở bật cửa, nói, “Tạ ơn Chúa”, rồi vung tay ôm chặt lấy tôi.

Chúng tôi hôn nhau. Tôi nhẹ nhõm khi thấy anh ấy trở về đến nỗi mất vài phút tôi mới nhận ra anh ấy cũng cực kì nhẹ nhõm khi thấy tôi trở về.

“Em đã ở đâu vậy?” Henry hỏi.

“Opart. Anh đã ở đâu?”

“Em không để lại lời nhắn, khi anh trở về và không thấy em, anh đã tưởng em đang ở bệnh viện. Nên anh gọi điện, nhưng họ nói em không có ở đó...”

Tôi phá lên cười không ngừng. Henry có vẻ bối rối. Khi cuối cùng cũng có thể dừng lại, tôi bảo anh ấy, “Giờ thì anh đã hiểu cảm giác đó như thế nào.”

Henry mỉm cười. “Anh xin lỗi. Anh không biết em đang ở đâu nên hốt hoảng. Anh tưởng anh đã không kịp chứng kiến Alba ra đời.”

“Anh đã ở đâu?”

Henry cười toe toét. “Em sẽ không thể tin nổi đâu. Đợi đã, hãy ngồi xuống nào.”

“Hãy nằm xuống đi. Em mệt quá.”

“Em đã làm gì ngày hôm nay?”

“Nằm vất vưởng khắp nơi.”

“Khổ thân, thảo nào em mệt.” Tôi đi vào phòng ngủ và bật điều hòa lên rồi kéo rèm. Henry biến mất vào trong bếp rồi quay trở ra với hai li đồ uống trên tay. Tôi ngọ nguậy nằm xuống giường rồi nhận lấy li nước gừng. Henry đá giày ra rồi nằm xuống cùng tôi với cốc bia trên tay.

“Kể cho em nghe đi.”

Henry nhướn một bên mày, mở miệng ra rồi lại đóng. “Anh không biết phải bắt đầu từ đâu.”

“Nhanh nào.”

“Phải nói rằng đây là một trong những điều kì cục nhất xảy ra với anh từ trước đến nay.”

“Kì hơn cả anh và em?”

“Phải. Chuyện anh và em là lẽ thường tình của tự nhiên con trai gặp con gái...”

“Kì hơn cả việc nhìn mẹ anh qua đời hết lần này đến lần khác?”

“Đến giờ đó chỉ còn là một việc tồi tệ quen thuộc. Nó là một cơn ác mộng mà anh thường mơ thấy. Còn việc anh vừa trải qua thật không tưởng.” Anh ấy đưa tay vuốt bụng tôi. “Anh đã đi đến tương lai. Anh đã thực sự ở đó, em hiểu không? Hoàn toàn khỏe mạnh và tỉnh táo. Và anh đã gặp cô con gái rượu này của chúng ta.”

“Ôi Chúa ơi. Thật sao? Đáng ghen tị quá đi.”

“Phải. Con bé khoảng mười tuổi. Nó thật tuyệt vời... nó thông minh và có năng khiếu âm nhạc... và rất tự tin, không gì có thể khiến nó lúng túng.”

“Con bé trông như thế nào?”

“Giống anh. Một phiên bản nữ của anh. Ý anh là, con bé rất đáng yêu, nó có đôi mắt của em, nhưng về cơ bản rất giống anh: tóc đen, trắng, có chút tàn nhang, miệng con bé nhỏ hơn của anh khi bằng tuổi nó, và tai nó nhỏ gọn. Con bé có mái tóc xoăn dài, đôi bàn tay giống như của anh với những ngón tay dài, và cao ráo... Nó giống như một con mèo nhỏ.”

Hoàn hảo. Hoàn hảo.

“Anh sợ rằng gen của anh đã truyền lại cho nó. Nhưng tính cách của nó thì giống hệt em. Con bé có phong thái thật đáng kinh ngạc... Anh đã nhìn thấy nó giữa đám học sinh ở Viện Nghệ thuật và nó đang nói về những chiếc hộp Chuồng Chim của Joseph Cornell, nó đã lột tả chính xác những gì Cornell muốn gửi gắm... và bằng cách nào đó, anh có thể biết nó là con của chúng ta. Và con bé nhận ra anh.”

“Dĩ nhiên nó nhận ra.” Có điều tôi phải hỏi, “Con bé có... nó có phải...?”

Henry ngần ngại. “Có”, cuối cùng anh ấy nói. “Đúng vậy.” Cả hai chúng tôi im lặng. Anh ấy đưa tay vuốt má tôi. “Anh biết.”

Tôi muốn khóc lên.

“Clare, con bé có vẻ hạnh phúc. Anh đã hỏi nó... nó nói nó thích du hành thời gian.” Anh ấy mỉm cười. “Con bé nói việc đó rất thú vị!”

Chúng tôi bật cười, lúc đầu có chút buồn bã, nhưng rồi tôi phận ra, và chúng tôi cười như điên dại cho đến khi hai má đau nhức, cho đến khi nước mắt chảy ròng xuống má. Bởi vì, dĩ nhiên rồi, việc đó thú vị. Rất thú vị.