Lúc này ánh trăng như phấn trắng rắc kín mặt đất, bốn bề sáng tỏ, bọn Gà Gô đều nìn thấy rõ mồn một: “Quái lạ, cương thi đời Nguyên sao lại tự ngồi dậy thế kia? Hay sắp biến thành hành thi rồi!”
Thi vương đời Nguyên này cao lớn hơn người, sinh thời chắc là bậc kỳ nhân tu luyện cả nội công lẫn ngoại công, hẳn thi biến không phải chuyện thường. Gà Gô chẳng còn tâm trí nào để mắt đến trận ác đấu giữa gà Nộ Tinh và Hắc Tì Bà nữa, sự việc quá bất ngờ, nói không hết được, hẵng cứ hạ thủ trước để chiếm thế thượng phong cái đã, nghĩ vậy anh ta liền quay ngoắt lại, tung người nhảy vào trong áo quan, định bẻ gãy xương sống cương thi.
Nào ngờ chưa tới nơi đã thấy lưng cương thi thò ra một cái mặt lông lá tua tủa, cặp mắt hấp háy, nhìn ra mới biết là một con vượn. Thì ra con vượn này thấy bọ cạp trong áo quan đã chết, con Hắc Tì Bà lại đang bị gà Nộ Tinh cầm chân ở tít xa, bèn nhân lúc đám người không đề phòng, muốn tới cứu con vượn trắng đang bị đè dưới đáy quách. Nó âm thầm chui vào trong áo quan, định khiêng cương thi ra ngoài, giảm bớt trọng lượng của cỗ quách.
Nào ngờ vừa đẩy được cương thi ngồi dậy thì cái đàu gà lập tức bay tới, đập trúng mặt cương thi, máu gà bắn ra tung tóe. Khỉ vượn sợ nhất máu gà, thế nên ngạn ngữ mới có câu “giết gà dọa khỉ”, con vượn vừa thò đầu ra đã thấy ngay máu gà đầm đìa, cái đầu gà lại rơi ngay bên cạnh, chết rồi vẫn chưa nhắm mắt, như đang giương mắt nhìn chòng chọc vào mình thì sợ đến hồn xiêu phách lạc, ngoác mồm kêu oai oái, vãi cả cứt lẫn đái, phi vọt ra khỏi quách tử kim, trèo lên cây trốn biệt vào rừng.
Con vượn vừa bỏ chạy, cương thi lập tức mất đi điểm tựa đổ xuống đánh rầm một cái, Gà Gô thấy thế vừa tức vừa buồn cười, chửi thầm: “Đồ vượn chết giẫm, chạy nhanh thế không biết.” Anh ta thấy không phải thi biến thì như hất được cục đá tảng đè nặng trong lòng, nhưng vẫn không dám lơ là cảnh giác, trái lại càng cảm thấy cỗ thây trong quan có gì đó kỳ quái. Cương thi này ít nhất đã chết mấy trăm năm, chôn xuống đất không mục rữa mà cứng lại, tên đặt ắt có nguyên do, khi ấy chữ “cương” trong “cương thi” còn được viết thành chữ “cương” có bộ “đãi” mang ý nghĩa xấu xa, vừa có ý thi thể chôn trong lòng đất cương hóa như cành cây khô, vừa giải thích thi thể không thối rữa chính là cương thi. Có điều thân xác dù không rữa, cũng nhất định cứng lại như gỗ,các khớp không thể co gập, vậy làm sao con vượn kia lại dựng được cương thi ngồi dậy, chả nhẽ cơ thể cương thi không khác gì người sống?
Ở vùng núi non hẻo lánh đất Tương, Kiềm, Quảng Đông, Quảng Tây thường có truyền thuyết cương thi thành tinh. Cương thi thành tinh vẫn lấy quan quách làm sào huyệt, lông mọc khắp người, đêm xuống liền ra khỏi áo quan bắt người hoặc súc vật để ăn, dân gian gọi là “Thi Vương”.
Cũng có cách lý giải khác về “Thi Vương”, cho rằng do người chết lúc sinh thời có địa vị hiển hách, đồ tùy táng và trấn thi chống rữa đều là minh khí huyền bí hiếm có, nếu nhập tràng bật dậy sẽ vô cùng lợi hại, các loại pháp khí như bùa giấy vàng hay kiếm gỗ đào đều không thể khống chế. Thi vương lúc sinh tiền chắc chắn thuộc dòng dõi quý tộc, bách tính bần hàn chỉ được an táng qua loa, sau khi chết dù có quỷ nhập tràng cũng không có phúc phận được mang tên này. Thực tế, các lý giải này chỉ chứng tỏ cái nhìn phiến diện tôn thờ quyền quý khi xưa.
Tương tuyền Thi vương Tương Tây trăm năm mới xuất hiện một lần, đa phần chỉ là chuyện hoang đường, những cỗ thây từng được mục kích chưa chắc đã là cùng một cương thi. Ngày trước từng có người hái thuốc tự nhận đã nhìn thấy Thi Vương trong khe núi Bình Sơn, nhiều khả năng chính là cái xác khô mình vận khôi giáp đã bị Gà Gô dùng Khôi Tinh Thích Đầu bẻ gãy xương sống, cứ xem cách ăn mặc thì chắc là võ sĩ tuẫn táng theo mộ, phong tục tuẫn táng người sống vốn thịnh hành vào thời Nguyên, không có gì lạ cả.
Gà Gô thấy mũi mồm cỗ thây trong tử kim quách nhét đầy bột vàng, hơn nữa thân xác đã khô cứng mà dung mạo vẫn như còn sống, uy phong lẫm liệt, lại có thể gập lưng ngồi dậy, thì đoán trong cái xác cổ thời Nguyên này nhất định cất giấu một vật cực kỳ quý hiếm.
Ban Sơn đạo nhân chui rúc khắp các hầm mộ trong thiên hạ chỉ để tìm kiếm một viên Mộc Trần Châu giấu trong mồm cỗ thây, gặp cơ hội này đương nhiên không dễ dàng bỏ qua. Nhưng cương thi này dáng dấp cổ quái, không thể không đề phòng, hẵng cứ bẻ hết gân cốt nó rồi lục soát khắp người, thế mới là sách lược chu toàn.
Gà Gô hạ quyết tâm, định tiến lên động thủ, chợt nghe có tiếng vèo vèo xé gió sau gáy. Anh ta dỏng tai nghe ngóng, căng mắt nhìn quanh, vội nghiêng người tránh, chỉ thấy một hòn đá to bằng nắm tay bay sượt qua người, đập bốp vào thành cỗ quách tử kim.
Thì ra bầy vượn trốn trong rừng sâu nghe ngóng, thấy Gà Gô lại gần áo quan, tưởng anh ta định ra tau sát hại con vượn lông bạc, liền nhặt đá ném tới tấp về phía ba người, vì sợ đầu và máu gà trong áo quan nên không con nào dám tiến lên nửa bước, chỉ đứng ở xa gào rú ném đá.
Loài vượn chiếm cứ nơi núi cao rừng già vốn xấu tính vô cùng, hễ thấy có thương nhân qua đường là lẳng lặng đi theo, đợi đến đoạn đường vắng vẻ nguy hiểm liền đột ngột ra tay ném đá. Khách qua đường bị tấn công bất ngờ không kịp phòng bị, hoặc lạc lối vào rừng, hoặc trúng đá bị thương, thường mất mạng với chúng, lương khô quần áo đều bị chúng cướp sạch. Bầy vượn hoang nàyưởng lộc quen mùi, không coi người lạ ra gì, đã trở thành mối họa ở Lão Hùng Lĩnh, còn khó đối phó hơn cả sơn tặc thổ phỉ.
Trong chốc lát, trận mưa đá nhỏ từ trong rừng bay ra nhanh như vãi trấu, rơi xuống lộp bộp, tay người Miêu tránh không kịp, bị một hòn nện vào sau gáy, hoa mày chóng mặt, đưa tay lên sờ, thấy dính đầy máu liền nổi giận chửi loạn lên: “Ai cũng chê tao nhát như thỏ đế, cả lũ vượn trời đánh cũng không coi tao ra gì. Nói cho chúng mày biết, người bùn cũng có ba phần đất đấy nhá!” Vừa chửi hắn vừa nhặt đá ném lại, nhưng bầy vượn quá đông nên một trận mưa đá nữa lại rào rào giội xuống, khiến tay người Miêu ôm đầu ba chân bốn cẳng chạy tới nấp sau lưng Gà Gô.
Gà Gô và Hồng cô nương tuy thân thủ nhanh nhẹn, nhưng đá ném ra quá nhiều, không tránh được cũng trúng mấy phát. Gà Gô thấy đầu gã người Miêu máu tuôn xối xả liền đẩy hắn và Hồng cô nương vào trong quách tử kim, may mà cỗ quách này to lớn khác thường, chứa ba bốn người vẫn còn dư chỗ, còn anh ta một mình nâng cái nắp quách nặng trịch, xoay tròn như gió lốc, chặn đứng trận đá đang bay tới từ bốn phương tám hướng.
Gà Gô chuyến này tới Bình Sơn trộm mộ, ra quân chưa thắng đã mất hai chiến hữu, thấy đám trộm mộ Xả Lĩnh cũng thương vong nặng nề, bình sinh chưa gặp thất bại nào lớn thế này, lửa giận đã sớm ngùn ngụt, lòng đầy sát khí chưa tìm được chỗ trút. Đại sự đổ đấu phải đặt lên đầu, anh ta vốn định giữ lại mạng sống cho con vượn già dưới đáy quan, nhưng thấy bầy vượn vướng tay vướng chân, năm lần bảy lượt phá bĩnh, lại không biết tiếng vượn nên không thể hiểu chúng đinh làm gì, đến nước này đành ra tay tàn độc, vào rừng bắt hổ, giết một con để răn trăm con, diệt trừ hậu họa.
Nghĩ tới đây, Gà Gô lập tức động sát cơ, mới đầu đã có ý giết con vượn này, giờ đúng lúc cả giận, sát niệm đã động không thể dừng lại. Giết một là giết, giết một trăm cũng là giết, mắt anh ta như tóe lửa, lạnh lùng đứng sau nắp quan tài giơ súng, liên tục bóp cò, tiếng đầu đạn bay ra khỏi nòng xé toạc màn đêm, mỗi tiếng súng vang lên là một con vượn từ trên cây ngã xuống đất. Gà Gô vốn có tài bắn súng bách phát bách trúng, khoảng cách ngoài trăm bước chân vẫn trúng mục tiêu, bọn vượn trúng đạn giữa ấn đường, chẳng kịp rơi xuống đất đã bị đạn găm vào não chết tươi.
Trong chớp mắt, hai mươi đầu đạn đã giết chết hai mươi con vượn, những con còn lại từ lớn đến bé đều ngây ra như phỗng, tay ôm chạc cây, cứ trố mắt ra nhìn không chớp, y như tượng gỗ. Vài con sợ quá còn vãi đái dầm dề, cuối cùng không biết con nào dẫn đầu thét lên một tiếng, cả bầy liền chen nhau chạy thục mạng vào rừng, không dám quay lại nữa. Từ đó về sau, loài vượn ở Lão Hùng Lĩnh hễ thấy người mặc áo đen là cuống cuồng bỏ chạy như gặp rắn, bọ cạp, đến giờ vẫn vậy.
Hồng cô nương và tên người Miêu nằm trong quan tài nghe tiếng bèn thò đầu ra xem, thấy tài bắn súng của Gà Gô thì kinh khiếp vô cùng, không nói nên lời, thầm nghĩ người này xuống tay thực tàn độc, chắc khi giết người cũng chẳng kém, hệt như quỷ vương Tu La vậy.
Trong lúc ấy, trận đấu giữa hai con gà trống với Hắc Tì Bà đã đến hồi phân thằng bại. Trận ác đấu sống còn giữa hai kẻ khắc tinh khiến nhật nguyệt phải lu mờ, gà Nộ Tinh vốn là khắc tinh của rắn rết bọ cạp, nhưng lúc này đang giữu đêm khuya, ánh trăng rải đầy đất, không phải lúc để loài gà phát huy bản lĩnh, thế nên chỉ ngang cơ với Hắc Tì Bà, lông gà sặc sỡ lăn cùng mảnh giáp bọ cạp, bị gió thổi tung cùng với là cây, bầy vượn náo loạn trong rừng cũng chẳng làm chúng bận tâm.
Con gà trống còn lại tuy không phải giống gà thần Nộ Tinh, nhưng cũng mào cao lông ngũ sắc, thiện chiến xuất chúng, tuy đã bị thương khắp mình, máu me bê bết từ đầu đến chân song vẫn liều mạng xông lên tấn công, không lùi nửa bước.
Con Hắc Tì Bà tinh là độc vật đã sống cả ngàn năm gần mộ cổ Bình Sơn, bản tính hung bạo yêu dị, có điều vật tính vốn tương khắc tương chế, vừa thấy gà trống, nó đã khiếp đảm ba phần, tuy mới đầu tỏ ra dũng mãnh, kẹp đứt cổ một con gà trống, nhưng sau quần nhau với hai con còn lại một lúc đã có vẻ yếu đi trông thấy, dần không còn trụ vững nữa.
Nhưng hai con gà trống mới có vài năm tuổi, đâu được như Hắc Tì Bà vương ăn thảo dược linh chi trường kỳ sống lâu hóa cáo, con bọ cạp bất ngờ cuộn tròn thân lại, chìa cái mai cứng đơ cho hai con gà vàng mặc sức mổ, hai con gà trống không biết quỷ kế, thấy thế cũng dang cánh giương vuốt lao vào.
Để cứu lấy tính mạng, con bọ cạp liều chết phóng độc trong tiếng gà gáy, âm thầm dồn hét chất độc vào đuôi, đoạn dồn toàn tinh lực, vung đuôi như vung roi sắt, phóng ra một làn sương còn đen hơn cả bóng đêm. Làn sương đen này do dịch độc kết tủa mà thành, nguy hiểm vô cùng, gà Nộ Tinh biết lợi hại nên không dám xông vào, vội gáy vang nhảy lên tránh đòn, chỉ con gà trống mào cao là bị khí độc trùm lên đầu,lông mao oàn thân bỗng chốc xác xơ, da thịt xương cốt đều biến thành bãi máu.
Con Hắc Tì Bà tuy một đòn đắc thủ nhưng đã như cây đèn cạn dầu, lúc này gà Nộ tinh từ trên cao vừa hay đáp xuống, bó càng đánh càng khỏe, ập đến như chớp giật, quặp chặt vào lưng và đuôi bọ cạp, như được tiếp thêm thần lực từ bên trong, lại dang cánh nhảy vọt lên lần nữa, hai chân quắp lấy con Hắc Tì Bà bay lên cao hệt chim ưng bắt thỏ.
Khi hạ cánh, gà Nộ Tinh đã kịp lật ngửa con bọ cạp. Lưng bị móng gà xé toạc, con Hắc Tì Bà đau quá giãy giụa quằn quại, quấn lấy gà trống không rời, thế nào lại bị móng gà chọc cho thủng bụng, giãy giãy vài cái rồi gục xuống chết.
Nhưng Hắc Tì Bà rốt cuộc vẫn là loài hiểm độc, trước khi chết còn kịp dùng đuôi đâm thẳng vào ức gà Nộ Tinh, xuyên thủng ức gà, lại dùng càng kẹp đứt một bên chân gà, hai kẻ khắc tinh quần nhau dến chết, rốt cuộc chôn thân trong đóng máu thịt lẫn lộn.
Gà Gô mải tấn công bầy vượn, quay đầu lại vừa khéo chứng kiến cảnh hạ màn, thầm than một tiếng xót xa. Con “gà Phượng Hoàng” này do chính tay hắn cứu mạng dưới lưỡi dao của một sơn dân xa lạ, là vật quý hiếm trên đời, người xưa có câu “tráng sĩ chết dưới lưỡi đao, ngựa tốt chết nơi trận tiền”, gà Nộ Tinh oanh liệt chết cùng con Hắc Tì Bà vương ngàn năm tuổi coi như cũng không uổng, còn hơn chán trở thành món ăn trên mâm mấy kẻ thường dân.
Bức màn im ắng chết chóc lại bao trùm lên khu rừng, Gà Gô thấy Hồng cô nương và gã người Miêu cứ ngây ra trong quách tử kim liền bảo: “Trong áo quan âm khí nặng nề, không tiện ở lâu, mau ra ngoài đi…”
Chưa nói hết câu đã nghe tiếng con vượn lông bạc nằm dưới quan tài rít lên thảm thiết, như sợ hãi điều gì không dám giả chết nữa, tiếng rú kinh hoàng xao động cả ngọn cây, khủng khiếp dị thường, không sao diễn tả nổi.
Gà Gô biết sự chẳng lành, sợ trên Lão Hùng Lĩnh này sắp xảy ra biến cố gì, lập tức nhoài người nắm lấy cánh tay Hồng cô nương lôi ra ngoài. Hồng cô nương tuy bạo gan nhưng nghe tiếng vượn kêu thảm cũng không khỏi hoảng sợ, cô ta đâu được lòng gang dạ sắt như Gà Gô, hai chân như giẫm trên bông, không biết trên dưới cao thấp thế nào nữa.
Lúc này nghe có tiếng xương cốt cương thi răng rắc trong quan, cùng tiếng móng tay cào vào áo quan không ngừng nghỉ. Tay người Miêu phát hiện cương thi bên dưới mình sắp biến thành hành thi, sợ đến nỗi lông mao dựng đứng, dùng cả tứ chi bò ra ngoài, nhưng trong lúc kinh hồn táng đảm chân tay cứ đờ ra như bị liệt, chỉ mỗi mồm còn gọi được: “Ông anh mộc công, mau tới cứu tôi với…”
Gà Gô không dám chậm trễ, đang đnh chạy lại kéo gã người Miêu ra thì thấy cương thi đã “bật” dậy ngồi trong quan, cái mồm đen ngòm há to ra để lộ hai hàm răng nanh, toan cắn phập vào gáy người Miêu, hệt như hổ dữ vồ cừu, ngoạm chặt lấy gã mà nhấm nháp.
Gà Gô nhanh tay tinh mắt, thấy mồm cương thi bất ngờ há to, đã bị quỷ nhập tràng, phải hút máu và dương khí của người sống, không kịp suy nghĩ gì vội nhét ngay khẩu súng vào mồm nó. Chỉ nghe một tràng tiếng răng nghiến vào kim khí, rốt cuộc cũng cứu được mạng gã người Miêu trong cảnh ngàn cân treo sợi tóc, gã người Miêu hồn xiêu phách lạc, thực như từ cõi chết trở về.
Sau khi giúp gã người Miêu tránh được đòn hiểm, Gà Gô lập tức thò tay túm lấy cổ áo gã ta định kéo ra ngoài, nào ngờ móng tay cương thi đột ngột dài ra, quấn chặt lấy cánh tay người Miêu làm gã không thể cựa quậy, Gà Gô ra sức kéo mà chẳng nhúc nhích được phân nào.
Gà Gô có tài ứng biến, kế này không được, lập tức nghĩ ngay mưu khác, đang định cứu người lần nữa, bỗng nghe trong khu rừng vang lên tiếng ầm ầm tựa sét đánh ngang tai, trời long đất lở.
Updated 405 Episodes