Quyển 1 – Chương 21: Thành cổ Tây Dạ

Chiếc đèn măng-sông treo trên rường nhà bị cơn gió len lỏi qua vách tường thổi lung lay, ánh sáng chập chờn, làm căn phòng lúc tối lúc sáng, tượng đá đen thui tựa như một người bị chôn sống, chỉ lộ ra cái đầu, phần còn lại chôn vùi trong cát.

Tôi đến gần lại nhìn, thì ra trên mắt của người đá có con kiến lớn, to bằng đốt ngón tay cái, toàn thân một màu đen tuyền, đuôi đỏ như máu, mỗi khi ánh sáng của đèn măng-sông lay lắt chiếu qua, lại lóe lên một tia sáng yếu ớt, nhìn từ xa lại, trông như ánh sáng phát ra từ mắt của người đá.

Tôi thấy chỉ là con kiến, bèn thuận tay búng một cái, bắn văng nó xuống đất, giẫm chân lên một cái, chỉ nghe một tiếng “nhoét”, con kiến bị giẫm cho nát bét, nhưng thấy hơi là lạ, thân thể con kiến này cứng chắc hơn nhiều so với kiến thường.

Tôi nhìn chung quanh, trong căn phòng nát chỗ nào cũng lọt gió, chẳng biết con kiến bò từ đâu vào, Shirley Dương chạy tới hỏi tôi xem có chuyện gì, tôi bảo chẳng có gì, chỉ là con kiến, tôi giẫm chết rồi.

Tôi gọi Tuyền béo đang ngủ say giấc dậy, ra đứng gác, sau đó thêm một ít nhiên liệu rắn vào đống lửa, để lửa to hơn chút nữa, rồi tắt đèn măng-sông đi, chui vào túi ngủ đánh một giấc.

Cơ thể mệt mỏi, liền ngủ ngay lập tức, khi tỉnh dậy đã hơn chín giờ sáng ngày hôm sau rồi, bão cát ngoài kia hoành hành suốt một đêm, vẫn chưa chịu dứt, chỉ có điều sức gió đã nhỏ hơn nhiều so với hôm qua, cơn bão quỷ quái này cuối cùng cũng sắp kết thúc rồi.

Di tích thành cổ này phần lớn vùi trong cát, phần lộ lên khỏi mặt đất không nhiều, thêm chừng hai đợt gió cát lớn thế này, chỉ e tòa thành cổ vô danh sẽ biến mất trong sa mạc, thế nhưng cho dù toàn bộ bị chôn vùi trong cát, nhưng cũng không có nghĩa vĩnh viễn bị chôn vùi, Taklimakan có quá nửa diện tích là sa mạc lưu động, cùng với những dải sa mạc bị gió thổi bạt đi, không biết sau bao năm nữa chúng sẽ lại ngoi lên hứng ánh mặt trời.

Hách Ái Quốc đang chỉ huy mấy sinh viên đào pho tượng đá ở góc tường, đã đào được đến phần đùi của pho tượng, mọi người đều xúm lại xem, chỉ có lão Anliman tranh thủ sức gió yếu dần, chạy ra trông lũ lạc đà nấp dưới tường thành.

Tôi lục túi lấy ít lương khô, vừa ăn vừa xem mọi người đào cát, theo đoàn khảo cổ vào sa mạc lần này, ngoài muốn xem xem có mộ cổ lớn nào không, tôi cũng muốn học một ít kinh nghiệm khảo cổ từ những chuyên gia này nữa.

Họ sợ làm hỏng những nét điêu khắc trên thân tượng, chỉ lấy xẻng công binh gạt cát phía ngoài, sau đó dùng xẻng bằng và chổi làm sạch từng tí một, đào lên được phần nào, làm sạch luôn phần ấy, đồng thời còn ghi chép rất tỉ mỉ nữa.

Giáo sư Trần thấy tôi đã tỉnh, liền gật đầu chào, xem ra sức khỏe của ông đã không còn ái ngại nữa. Ông bảo tôi giờ để mấy đứa học trò luyện tay luyện mắt một chút, thêm ít kinh nghiệm thực tập, học lý thuyết tuy quan trọng nhưng nghề khảo cổ này, thực tập tại hiện trường cũng quan trọng không kém, nhìn nhiều, tiếp xúc nhiều, động tay động chân nhiều ở hiện trường, mới có cảm giác trực quan, kết hợp với lý thuyết sẽ tiến bộ nhanh chóng.

Chưa được một chốc, mấy sinh viên đã làm sạch xong phần bệ tượng, tôi lần đầu tiên nhìn thấy loại tượng người đá mắt lớn này, bức tượng mặc quần áo người Hồ, hai cánh tay buông xuống, trên mình chạm khắc rất nhiều hoa văn, như thứ kinh văn Mật Tông gì đó. Theo giáo sư Trần, những văn tự này xưa nay chưa được giải mã, nhưng theo sự mở rộng của lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ mấy năm gần đây, các chuyên gia cho rằng đây có lẽ là một loại kí hiệu hay ám hiệu nào đó, ghi chép những thông tin về tôn giáo cổ xưa. Còn về việc vì sao lại khắc những kí hiệu này lên thân tượng, thì có lẽ liên quan đến việc cúng tế. Nhưng các tư liệu liên quan, các bức bích họa và cả sử sách đều không thấy ghi chép, đến nay tất cả cũng chỉ là suy đoán mà thôi.

Táp Đế Bằng ngồi bên cạnh nghe giáo sư giảng giải, cung kính hỏi: “Thưa giáo sư! Bức tượng đá này có tạo hình khác xa so với người thường, em cảm giác có thể thời cổ đại có một dạng tôn giáo sùng bái người ngoài Trái Đất, sau khi họ thấy người hành tinh khác tới, thì tưởng họ là Chúa trời, rồi tạo ra một loạt bức tượng kiểu này để lễ bái, những kí hiệu trên mình bức tượng này, có thể là một dạng ngôn ngữ của người ngoài Trái Đất.”

Hách Ái Quốc lập tức phê bình: “Cậu Bằng này, ngày thường cậu học hành chểnh mảng, bảo cậu bao nhiêu lần rồi, cậu là đứa thông minh, nhưng tư duy không được lệch, lại còn lôi cả người ngoài hành tinh ra nữa, cần phải nghiêm túc đối với lịch sử, đối với ngành khảo cổ!”

Giáo sư Trần không hề bực tức, ngược lại còn nở một nụ cười hiền hòa: “Có trí tưởng tượng không phải xấu, thanh niên trai tráng, đầu óc nhanh nhạy, thế là rất tốt. Đoàn kết khẩn trương, nghiêm túc hoạt bát, không hề mâu thuẫn đâu nhé! Có điều, chúng ta làm công tác khảo cổ, nghiên cứu lịch sử, thì nhất định phải tuân thủ một nguyên tắc, đưa ra giả thiết táo bạo, nhưng phải chứng thực một cách cẩn thận. Trí tưởng tượng phải được xây dựng trên chứng cứ hiện thực, trí tưởng tượng mà thiếu chứng cứ thì không đáng tin cậy. Chúng ta lấy bức tượng mắt to này ra nói nhé, người cổ đại thích đoán may rủi họa phúc thông qua các hiện tượng thiên văn, cứ mỗi tối, họ lại dõi đôi mắt lên bầu trời sao, phải chăng họ hi vọng mắt mình có thể nhìn xa hơn nữa không? Khi tạc bức tượng này, liệu họ có gửi gắm ước vọng của mình vào đây không? Khả năng này là rất lớn, ở gò Tam Tinh, Tứ Xuyên cũng từng khai quật được một số pho tượng kiểu này, hai mắt dài lồi cả ra ngoài, nói theo kiểu bảo thủ, điều này rất có thể là một sự gửi gắm khát vọng tìm hiểu, khám phá thế giới của người xưa.

Tôi nghe đến đây, liền hết sức thán phục, đúng là trình độ của giáo sư có khác, không nói những lí lẽ đao to búa lớn, so với ông, anh Hách Ái Quốc kia vẫn chưa ăn thua.

Giáo sư Trần tiếp tục nói: “Người ngoài hành tinh mà cậu nói, không phải là không có khả năng tồn tại, nhưng không phải hễ nhắc đến họ lại nghĩ đến những câu chuyện khoa học giả tưởng được hư cấu trong tiểu thuyết nước ngoài, thực ra sự ghi chép sớm nhất về người ngoài hành tinh, đã xuất hiện trong bích họa và bút kí của người Trung Quốc chúng ta. Từ bảy ngàn năm trăm năm trước, trong bích họa của bộ lạc nguyên thủy trên dãy Hạ Lan, đã xuất hiện hình vẽ những nhà du hành vũ trụ mặc quần áo du hành, đi ra từ một cái mâm tròn lớn, động vật và cư dân xung quanh đều chạy tán loạn khắp nơi, những điều này e rằng không phải loài người thuở ban sơ có thể tưởng tượng ra được, đó có lẽ là một bức bích họa mang tính ký lục, ghi chép lại một sự kiện, giống như một tai nạn to lớn đã xảy ra. Sự việc tương tự cũng được ghi lại trong đỉnh vạc của thời Hạ, Chu, và một số cổ thư khác…” Truyện "Ma Thổi Đèn "

Lúc này, ông già Anliman đội gió đội cát, nhảy từ cái lỗ trên trần nhà xuống, thông báo với mọi người rằng cơn bão cát sắp kết thúc rồi, không đầy nửa tiếng đồng hồ nữa, trời sẽ nắng ráo, nhờ có Đức Allah phù hộ, cát đã sắp lấp đầy kín bức tường bên ngoài, nếu gió thổi thêm hai tiếng nữa, chắc hôm nay chúng ta sẽ bị chôn sống ở đây mất.

Vốn dĩ mọi người vẫn có chút lo lắng, tuy thấy sức gió yếu dần, nhưng không biết bao giờ mới dứt, giờ có lời này của lão Anliman, thì đã hoàn toàn yên tâm. Mấy cô cậu sinh viên tiếp tục chăm chú nghe giáo sư Trần giảng, tôi ngồi bên cạnh đống lửa đun ấm trà, chuẩn bị cho mọi người uống xong rồi lên đường.

Trà vừa đun sôi, mấy người đang ngồi vây quanh bức tượng mắt to đột nhiên hét lớn, nhảy bật cả về phía sau, có người hét: “Ối… sao lắm kiến thế?”, người thì gào lên:”Ối mẹ ơi, ở đây cũng có này!”

Tôi vội chạy lại xem sao, chỉ thấy nấm cát dưới chân bức tượng bỗng sùi lên một bọc lớn, rồi tuôn ra như suối những con kiến bự, có người dùng xẻng đập, một nhát chết hàng trăm con, nhưng cùng lúc ấy dưới cát lại đùn lên hàng nghìn con. Nhung nhúc nhung nhúc, nhìn sởn hết da gà.

Ban đầu cứ tưởng bọn họ đào cát, đào phải ổ kiến, nhưng giờ lập tức phát hiện ra không phải vậy, dưới đất xuất hiện mười mấy cái ổ lớn, càng ngày càng nhiều kiến trong đó bò ra, con nào con nấy đều thân mình đen bóng, đuôi đỏ chót, hai màu đen đỏ, cứ như vỡ đê, nước thủy triều tuôn ra ồ ạt.

Lão Anliman chỉ nhìn một cái rồi vội quay ngoắt đầu chạy ra ngoài, bọn Tuyền béo vẫn định dùng xẻng công binh đập tiếp, trong nháy mắt, lũ kiến đã nhiều đến nỗi trở tay không kịp.

Shirley Dương là nhiếp ảnh gia của tạp chí National Geographic, đã đi nhiều nơi, hiểu biết cũng rộng, chỉ nghe giọng cô cuống quýt gọi mọi người: “Mọi người mau trèo khỏi đây ra ngoài ngay, đấy là kiến lửa sa mạc, chậm nửa bước thôi chúng sẽ gặm ta thành xương đấy!”

Hàng vạn con kiến lửa sa mạc đã dồn đầy nửa phòng, dưới đất vẫn không ngừng đùn lên nhiều hơn nữa, mà không chỉ có dưới đất, trên rường nhà, trong vách tường, đâu đâu cũng có kiến bò ra. Giáo sư Trần và Diệp Diệc Tâm mấy người khiếp hãi đến run rẩy hai chân, chẳng thể tiến lên được nửa bước.

Chớ nói tới mấy tay trí thức, ngay cả tôi và Tuyền béo thế này mà vẫn run cả người, lũ kiến lửa sa mạc kia thực quá đáng sợ, không chừng bộ xương người trong căn phòng này cũng chính là kiệt tác chúng để lại, thảo nào mà không còn tí da thịt gì.

Tôi cố gắng trấn tĩnh, nhìn mọi người chung quanh, phát hiện lão Anliman lại bỏ chạy trước, lão già quỷ quyệt này, hễ thấy có nguy hiểm là chạy tót đi ngay, thế mà tối qua còn thề thốt bảo sẽ cùng mọi người đồng cam cộng khổ.

Xem chừng những cú đập bằng xẻng công binh đã không thể ngăn chặn nổi lú kiến lửa sa mạc ồ ạt như nước thủy triều này được nữa, tôi đá tung đống lửa đang đun trà lên, dốc nửa bình nhiên liệu rắn ra, tạo thành một bức tường lửa trong phòng, bầy kiến chạm phải tường lửa lập tức bị cháy sém, trong giây lát chặn đứng được khí thế lấn át của chúng. Truyện "Ma Thổi Đèn "

Lũ kiến quá đông, lại lao thẳng vào tường lửa với một tinh thần quyết tử, hòng lợi dụng số lượng để dập tắt ngọn lửa, may mà nhiên liệu rắn có sức cháy rất mạnh, có điều việc lũ kiến tràn lên dập lửa cũng chỉ còn là chuyện sớm muộn mà thôi.

Tranh thủ chút thời gian này, chúng tôi nhặt lấy những hành lý trang thiết bị có thể nhặt được, vừa kéo vừa lôi, chạy cả ra khỏi căn nhà nát, gió cát bên ngoài còn rất nhỏ, chỉ thấy mấy trăm con dê vàng, lạc đà hoang, sói sa mạc, chuột sa mạc và thằn lằn sa mạc con nào con nấy chạy loạn xạ trong đống đổ nát. Không chỉ có căn phòng chúng tôi trú chân vừa nãy, mà giờ rất nhiều chỗ khác cũng đều đùn lên hàng vạn kiến, một số con vật chạy chậm, lập tức bị cơn lũ kiến nuốt gọn.

Trong miệng kiến lửa sa mạc có rất nhiều axit sinh học, hàng ngàn hàng vạn con cùng xông lên gặm nhấm, thì đến cả voi cũng chẳng chịu nổi, dê vàng và sói sa mạc ngã xuống đất ràm rạp, sau khi lũ kiến đi qua, chỉ còn trơ lại một đống xương trắng.

Số lượng lũ kiến lửa sa mạc trong thành này đâu chỉ triệu con, dường như cả tòa thành cổ là một tổ kiến khổng lồ, chúng tôi bị vây khốn trên nóc nhà, chỉ còn biết vung xẻng công binh đánh bay những con kiến bò lại gần xuống.

Dưới tường thành phía xa, lão Anliman đang vội vã cởi bỏ sợi dây thừng cột chặt đoàn lạc đà, tôi ném cây súng cho Tuyền béo: “Bắn vào mũ của lão!”

Tuyền béo giơ khẩu súng lên, không hề chần chừ, nhằm thẳng vào lão Anliman và lẩy cò, “đoàng” một tiếng, chiếc mũ da của lão Anliman bị đạn hất bay lên không, lão già sợ rụt cả cổ, quay đầu lại nhìn mọi người đứng trên nóc nhà.

Tôi quát lớn: “Lão già kia! Lão mà dám bỏ chạy, phát súng thứ hai sẽ bắn vào mông lão, Hutai chắc chắn không có ý kiến gì đâu.”

Lão Anliman rối rít khua tay, tỏ ý không bỏ chạy nữa. Nhưng dưới nhà đã ngập đầy lũ kiến lửa, chúng tôi tạm thời không xuống được, đương lúc bối rối, bỗng thấy một bức tường đổ rầm xuống, một con kiến to bằng con dê (ặc ặc ) từ phía sau bò ra.

Đây chính là kiến chúa, trên thân nó mọc sáu đôi cánh lớn trong suốt, có lẽ do cơn bão sa mạc đã kinh động đến con kiến chúa ẩn mình trong chốn thâm cung, nó đang chuẩn bị di chuyển.

Thấy thanh thế của con kiến chúa, thành viên trong đoàn khảo cổ ai nấy mặt mày biến sắc, Shirley Dương hô lên: “Đánh rắn đánh dập đầu! Mau bắn chết con kiến chúa đi!”

Tuyền béo vỗ vào khẩu súng hơi thể thao mấy cái, cuống quýt giậm chân: “Nòng súng này nhỏ quá, mẹ kiếp, bắn không nổi.” Tuy nói như vậy, nhưng cậu ta vẫn nổ súng bắn hết đống đạn còn lại vào con kiến chúa.

Tôi gỡ tấm khăn dùng chắn gió cát xuống, bọc hết đống nhiên liệu rắn còn thừa lại, lấy bật lửa đốt một góc của chiếc khăn, làm lựu đạn cháy ném xuống con kiến chúa bên dưới.

Chiêu này thế mà lại đạt được kì tích, lửa cậy sức gió, đã phủ kín toàn bộ cơ thể con kiến chúa khổng lồ, nó đau rát, giãy giụa lăn tròn trên bãi cát, càng lăn ngọn lửa càng lớn. Loại nhiên liệu nén thành thể rắn này, chỉ cần một miếng nhỏ thôi đã có thể cháy mười mấy phút, huống hồ là hơn nửa thùng, cũng phải xấp xỉ một ki lô gam. Lửa ngày một lớn hơn, lũ kiến bốn phía xung quanh như vỡ tổ, nhao nhao cắm cổ lao về chỗ kiến chúa, hy vọng có thể dựa vào số lượng đông đảo dập tắt ngọn lửa.

Tôi thấy cơ hội đã đến, liền vẫy tay bảo mọi người, đoạn vác xẻng công binh nhảy xuống trước đánh đuổi vài con kiến lửa sa mạc lẻ tẻ đi. Sở Kiện to khỏe cõng lấy giáo sư Trần, bọn Hách Ái Quốc, Diệp Diệc Tâm dìu dắt lẫn nhau , Tuyền béo cắt đoàn ở phía sau, đoàn người lao ra khỏi lỗ hổng.

Bấy giờ lão Anliman đã khống chế được lũ lạc đà bị kinh hãi, mọi người leo lên mình lạc đà, thúc chúng chạy ra khỏi thành, xung quanh chốc chốc lại có những con thú hoang chạy băng qua, ngày thường mà đụng phải nhau thế nào cũng quyết một phen sống mái, lúc này thì con nào lo thân con ấy, tất cả đều bỏ chạy thục mạng.

Đoàn lạc đà chạy được mấy trăm mét, tôi quay đầu lại nhìn, đã chẳng còn thấy đống di tích đổ nát của thành cổ đâu nữa. Như những đợt sóng biển rặt màu đen đỏ chồm lên ập xuống, vô số kiến lửa sa mạc cuồn cuộn nổi lên khỏi mặt đất. Có điều chỉ cần không bị chúng bao vây thì chẳng còn nguy hiểm gì nữa.

Lão Anliman giải thích rằng lão định chạy ra trước, cởi dây thừng cột lũ lạc đà, nếu không lũ kiến sẽ gặm chúng chỉ còn trơ xương, lúc ấy thì chúng ta có muốn bỏ chạy cũng chẳng thể chạy thoát, chứ không phải lão đây định chạy trước.

Tuyền béo không tin, trỏ ngón tay cái vào khẩu súng trên lưng: “Lão đừng lải nhải với tôi làm gì, sau có muốn giải thích thì đi mà giải thích với khẩu súng này này!”

Lý do của lão Anliman dường như rất thuyết phục, cũng không thể nào nhận định rằng lão đã bỏ mọi người để bỏ trốn một mình, về sau ở nơi sa mạc này còn có nhiều chỗ cần đến lão, tôi không muốn vì việc này mà đôi bên trở mặt, vậy nên ngăn ngay Tuyền béo, không để cậu ta nói thêm nữa.

Tôi nói với lão Anliman: “Chúng ta cùng gặp lạc đà trắng trong cõi sa mạc này, lại thoát khỏi vòng vây của kiến lửa sa mạc, đó đều là ý của Hutai. Hutai cho rằng chúng ta là anh em, là những tín đồ trung thành, cho nên chúng tôi tin ông, kẻ phản bội anh em và bè bạn, ắt sẽ bị Hutai trừng phạt.”

Lão Anliman rối rít bảo phải: “Lạy Đức Allah, Hutai là bậc chân chúa duy nhất. Chúng ta mà, đều là anh em bè bạn tốt nhất, tốt nhất của nhau mà, Đức Allah nhất định sẽ bảo vệ cho chúng ta mà.”

Bản nhạc không dài không ngắn có xen những thanh âm kinh hãi đến đây kể như kết thúc, nhưng ai biết được ở thành cổ Tây Dạ tận sâu trong biển cát kia, còn có những rắc rối gì chờ đợi chúng tôi, tôi vẫn gắng nghĩ cách để khuyên đoàn giáo sư Trần quay trở về.

Chúng tôi cách di chỉ Thành cổ Tây Dạ còn chưa đến nửa ngày đường, gió đã lặng đi, vầng dương như quả cầu lửa treo giữa tầng không. Đi trong sa mạc, điều quan trọng nhất là phải giữ cho mình có đủ nước, đi đường ban ngày vốn là điều tối kị, nhưng lượng nước của chúng tôi vẫn còn đủ, đến thành Tây Dạ lại có thể bổ sung nước ngọt, thế nên chúng tôi vẫn đội cái nắng gay gắt như lửa tiến sâu vào sa mạc.

Ban ngày, cảnh sắc sa mạc cũng có vẻ đẹp riêng, thời thượng cổ, quá trình vận động dãy núi Himalaya đã hình thành nên bồn địa Tarim, địa hình của cả vùng Tân Cương giống như chiếc bát lớn, trong bát đựng đầy hạt cát vàng óng, còn đoàn chín người với mười chín con lạc đà chúng tôi thì quả thực quá bé nhỏ, so ra còn chẳng bằng một phần mười nghìn của một hạt cát trong đống cát vàng đựng trong chiếc bát này.

Sa mạc mênh mông, không bờ không bến, nếu không có những vết chân trải dài phía sau, thậm chí còn chẳng thể nhận ra mình đang không ngừng tiến lên phía trước, thế mới biết những nhà thám hiểm một mình tiến vào sa mạc Gobi đáng phục nhường nào, có lẽ một mình lang thang trong vòm trời đất, họ mới có thể hiểu được ý nghĩa chân chính của cuộc sống. Âu khâm phục thì khâm phục thật, song cả đời tôi sẽ không bao giờ có ý định làm như vậy, cuộc sống tập thể vẫn thích hợp với tôi hơn.

Bọn Táp Đế Bằng tính rất hiếu kỳ, vừa đi vừa đòi Shirley Dương kể về loài kiến lửa sa mạc, Shirley Dương cũng chưa từng tận mắt nhìn thấy bọn này, chỉ thấy những xóm làng sau khi bị lũ kiến tấn công, đều bị gặm cho trơ ra xương trắng, thê thảm vô cùng.

Loài kiến này còn được gọi là kiến quân đội, bởi chúng vốn có tính tổ chức và kỷ luật cao độ, lấy kiến lính làm chủ, so sánh với quân đội của loài người, ngoài khả năng sử dụng hỏa lực và máy móc ra, khả năng tổ chức điều hòa quân đội của con người dẫu được huấn luyện thế nào, căn bản vẫn không thể so được với chúng.

Bọn họ vừa đi vừa nói, đồi cát dưới chân chốc thấp chốc cao, độ mấp mô lớn chưa từng thấy, lão Anliman nói dưới những gò cát chằng chịt này đều là những phố xá cổ bị cát vàng nhấn chìm, lão đẫn mọi người đi lên đồi cát cao nhất, rồi trỏ tay về phía Nam bảo, đó chính là trạm trung gian của chúng ta, di chỉ thành cổ Tây Dạ.

Tôi giơ ống nhòm lên, nhìn về phía Nam, giữa biển cát mênh mông hiện lên một ốc đảo, thu gọn trong tầm mắt. Ốc đảo trong sa mạc, tựa như hòn lam bảo thạch đính trên bàn cờ dát vàng, xa xa nhìn lại, một tòa thành đen xạm sừng sững giữa vùng.

Di chỉ thành cổ Tây Dạ được bảo tồn tương đối tốt, niên đại của tòa thành này, cũng khá lâu đời, mãi đến tận cuối thời Đường mới bị ngọn lửa chiến tranh hủy hoại, hoang phế đến tận ngày nay. Đầu thế kỷ 19, các nhà thám hiểm người Đức đã phát hiện ra nơi này, phần lớn các bức bích họa, tượng điêu khắc cùng các văn vật có giá trị nghệ thuật khác đều bị họ mang đi hết sạch.

Giữa sa mạc chỉ trơ lại một tòa thành trống rỗng, dòng sông Khổng Tước cổ xưa nhất đến đây là dừng. Vì từ xưa tới nay, quanh năm bốn mùa đều có mạch nước ngầm chảy dưới mặt đát trong thành, thế nên từ lâu nơi đây đã trở thành một điểm cấp nước quan trọng cho những vị lữ khách trên sa mạc.

Đoàn lạc đà rời đồi cát, chậm rãi tiến về phía ốc đảo, lão Anliman bàn bạc với chúng tôi, đến thành Tây Dajnghir ngơi hai hôm rồi hẵng tiến vào sa mạc đen, tiến vào rồi thì khó mà quay trở lại, mấy hôm nay lũ lạc đà cũng đã kinh hãi ít nhiều, lại phải thồ hàng đống hành lý, nhất thiết phải cho chúng dừng chân lấy sức mới có thể tiếp tục xuất phát.

Lời này vừa đúng ý tôi, tôi chỉ mong dừng lại thêm vài ngày, còn dễ kiếm cớ khuyên đoàn khảo cổ quay trở về, khỏi phải kiếm tìm thành cổ Tinh Tuyệt gì nữa, đào hai ba cái hố ở gần đó là được rồi, cần gì mệt mỏi. Gần đây tôi càng ngày càng cảm thấy lực bất tòng tâm, nếu cứ tiếp tục đi sâu hơn nữa vào trong sa mạc, sớm muộn gì cũng xảy ra chuyện lớn, đến lúc đó, e rằng sẽ chẳng may mắn như mấy lần trước nữa.

Tôi cho lạc đà bước chậm lại, đi song song với giáo sư Trần, nói với ông: “Giáo sư! Chúng ta tới thành Tây Dạ, cứ nghỉ dăm ba hôm, năm sáu hôm gì đấy rồi hẵng xuất phát có được không? Lão Anliman bảo bầy lạc đà đã mệt lử rồi, nếu không để chúng nghỉ ngơi cho đủ thì chúng ta chắc phải chuyển sang lái xe số 11 thôi.”

Giáo sư Trần nghe không hiểu, hỏi lại: “Cái gì… số 11 cơ? Lái thế nào”

Tôi đáp: “Giáo sư ơi có cái số 11 mà giáo sư cũng không biết à, tức là đi bộ bằng hai chân ấy.” Nói đoạn tôi lấy hai ngón tay bắt chước dáng đi của hai chân, “Đây chẳng phải là số 11 sao?”

Giáo sư Trần cười lớn: “Chú Nhất ơi là chú Nhất, đâu ra cái từ mới mẻ thế? Thật là thú vị. Được rồi, chúng ta cứ ở trong thành chỉnh đốn mấy hôm, tôi cũng đang muốn khảo sát di tích tòa thành nổi tiếng này đây.”

Trên đồi cát thấy ốc đảo cách chẳng bao xa, nhưng phải đi tận ba tiếng đồng hồ mới tới nơi. Tường thành xây bằng đá đen, có chỗ đã bị sụt lở phong hóa, tổn hại hết sức nghiêm trọng, chỉ có tòa thành chính nằm ở giữa được xây hết sức kiên cố, đâu đó vẫn còn thấy được dáng vẻ huy hoàng năm xưa. Các công nhân giếng dầu, đoàn thám hiểm, đoàn thăm dò địa chất, từng đi ngang đây, đều tá túc lại trong tòa thành chính này, chỉ cần lấy đá chặn cửa vào là có thể yên tâm không bị lũ sói sa mạc tấn công. Truyện "Ma Thổi Đèn "

Từ khoảng giữa thập kỷ bảy mươi, Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng đều rầm rộ nổ ra phong trào diệt sói, những bầy sói lớn đã hoàn toàn tuyệt tích, còn lại chỉ có dăm ba con túm tụm thành một bầy, hoặc chỉ một con đi đơn độc, không đủ tạo thành mối đe dọa. Huống hồ chúng tôi đông người, lại mang theo súng ống, đương nhiên chẳng lo sợ gì lũ sói.

Bấy giờ đương mùa gió, nơi đây ngoài chúng tôi ra, không còn ai khác lai vãng, bèn tìm lấy một căn nhà rộng rãi trong thành, đốt lửa trại đun trà nấu cơm.

Tôi và lão Anliman tìm được cái giếng cổ trong thành, nghe nói mấy ngàn năm nay, giếng này chưa từng cạn nước, lão Anliman bảo đây là thần tích của Hutai, tôi không có ý kiến gì hết. Lấy thùng da múc lên một thùng nước giếng, giếng rất sâu, thả sợi dây thừng dài tới mấy mươi mét mới nghe thấy tiếng thùng va xuống nước, sau khi kéo lên tôi uống trước một ngụm, dòng nước mát lạnh, thấm vào tim gan, bao cái nóng nực vì bị ánh mặt trời chiếu gắt trong sa mạc bỗng chốc tan biến, trong lòng lâng lâng một cảm giác thư thái chẳng nói được lên lời.

Mười chín con lạc đà được bố trí cho nằm bên cạnh giếng, để con nào con nấy uống nước no nê xong, lại đem muối và bánh đậu cho chúng ăn, sau đó tôi và lão Anliman múc lên hai thùng nước giếng lớn đem vào gian nhà đoàn khảo cổ đang nghỉ ngơi.

Mọi người đã mệt nhừ tử, nằm xuống đất là khò khò ngủ luôn, có người trong mồm còn cắn nửa miếng bánh, mới ăn một nửa đã lăn ra ngủ rồi. Tôi không muốn làm kinh động tới họ, mấy hôm nay họ đã chịu khổ chịu sở đủ rồi.

Đun một nồi nước lớn, bấy giờ mới gọi đám người giáo sư Trần dậy, bắt họ phải dùng nước nóng ngâm chân, bóc các mảng da tróc ra. Sau khi mọi việc đâu vào đó, tôi mới đi ngủ, nằm mê man chẵn một ngày một đêm, cuối cùng thì thân xác mệt nhoài cũng được phục hồi trở lại, buổi tối mọi người ngồi quây quần bên nhau nghe Tuyền béo nói bốc.

Tuyền béo mồm mép như tép nhảy, kể cho mọi người nghe trong rừng già Đông Bắc sản vật phong phú thế nào, sơn hào mỹ vị ngon ra làm sao, đâu có như cái sa mạc này, toàn cát là cát, lại có gió to, bắt dê vàng ăn một miếng đã thấy mồm đầy những cát. Đặc biệt là vùng Đại Tiều Hưng An Lĩnh, thứ gì ngon cũng có, từ xưa đã có câu nói thế này “Khua gậy đánh hươu, gầu múc cá. Gà rừng tự động nhảy vào nồi." Mọi người có tưởng tượng được cuộc sống tự do tự tại của những thợ săn là thế nào không?

Mấy sinh viên còn non nớt, nghe Tuyền béo nói cứ tin sái cổ, Táp Đế Bằng hẩy gọng kính trên sống mũi, tò mò hỏi: “Đại ca Tuyền này, cái gì mà ‘khua gậy đánh hươu’ thế? Dùng gậy đánh à?”

Tuyền béo đáp: “Bốn mắt ơi! Thấy cậu ham học, tôi nói cho cậu biết vậy, tức là bảo cậu ở trong rừng, cầm gậy khua bừa một cái, là đập chết một con hươu, ra sông múc nước, cứ vớt bừa một cái, thế nào cũng vớt được con cá to, ý bảo là sản vật dồi dào mà!”

Shirley Dương hừm một tiếng, tỏ ra hết sức coi thường câu chuyện của Tuyền béo: “Sa mạc cũng có cái hay của sa mạc chứ, chủng loại động thực vật trên sa mạc đâu có ít hơn trong rừng, vả lại sa mạc Taklimakan tuy nằm ở nơi thấp nhất bồn địa, nhưng xét ở một góc độ nào đó, nơi đây chính là đỉnh cao của nền văn minh cổ đại, còn trong khu rừng kia ngoài hươu nai, gấu chó ra còn có gì nào?”

Tôi sợ bọn họ xảy ra chiến tranh, liền bảo trong phòng có phụ nữ, anh em mình ra ngoài kia hút điếu thuốc, vừa nói vừa kéo Tuyền béo ra ngoài.

Trên trời trăng sáng như vẽ, sao giăng tựa gấm, soi khắp mặt đất một màu sáng bạc, tôi châm cho Tuyền béo một điếu thuốc, khuyên cậu ta nhường nhịn Shirley Dương một chút. Tuyền béo bảo tôi cậu ta đương nhiên không cháp cô ta, chuyện người Mỹ bọn họ không hiểu, chúng ta cũng không hiểu hay sao, huống hồ cô ta lại là phận nữ nhi, nếu là đàn ông con trai, thì đã vặn cổ y xuống đá bóng từ lâu rồi.

Tôi cười rằng: “Đúng thế, đúng thế, cậu xem cậu là ai chứ! Tè một bãi cũng thủng cả đất, là bậc quân tử thì phải độ lượng, đừng có vặn cổ em Shirley Dương làm gì, nếu thế thì tiền công của mình đòi ai đây? Hai mươi nghìn đô, con số không nhỏ đâu nhé!”

Cười nói vài câu, tôi ngẩng đầu nhả một vòng thuốc tròn vo trên không, chỉ thấy giữa trời, ba sao Cự Môn, Tả Phụ, Hữu Bật lấp lánh, sắp thành hình tam giác đều, vùng trung tâm có sao Thái Dương, Thái Âm cùng xuất hiện, đúng là thế Càn Giáp Kim Cát.

Trước đây tôi chưa từng nghiên cứu môn phong thủy thiên tinh, chỉ vì nhảy vào đoàn khảo cổ kiếm mấy đồng mới cắm đầu cắm cổ đọc qua vài lần, giờ nhìn bầu trời, nội dung của chương chữ Thiên trong quyển Bí thuật phong thủy lập tức hiện lên trong đầu tôi.

Tôi vội chạy về phòng lấy la bàn, leo lên nóc toà thành, đối chiếu các vì tinh tú trên trời, nơi cát tinh bao phủ, chính là chỗ cái giếng cổ trong thành. Đây là lần đầu tiên tôi thực hành coi phong thủy thiên tinh, cũng không cầm chắc, nhưng quá nửa là không thể lầm được, cuốn Thập lục âm dương phong thủy bí thuật của nhà tôi đâu phải sách tầm thường. Vậy thì ở gần mạch nước dưới đất thế nào cũng có mộ cổ? Các thế mồ mả cũng có thế ôm nước, nhưng liệu có gần quả hay không?

Bất kể thế nào, đây cũng là một phát hiện trọng đại, tôi phải báo việc này với đoàn khảo cổ, tốt nhất là họ phát hiện được gì đó ở đây, có thu hoạch, đại khái sẽ không nằng nặc đòi tiến vào sa mạc đen nữa.

Nghe tôi nói, giáo sư Trần lấy làm mừng rỡ, liền dắt học trò chạy bổ ra, chỉ chực chui xuống giếng nhìn ngó xem sao. Thành giếng và dây thép đều là do sau này sửa sang vào, chứ dây gầu và thành giếng trước kia thì chẳng biết đã bị huỷ từ đời nào rồi.

Tôi bàn bạc với Shirley Dương, giếng rất sâu, có thể mắc khoá an toàn, đu người xuống dưới xem rốt cuộc có thứ gì.

Vậy thì chỉ có thể là tôi xuống rồi. Phía dưới tuy có mạch nước, nhưng tôi vẫn không dám sơ ý, bèn đeo mặt nạ phòng độc, cầm theo đèn pin, còi, xẻng công binh, dao găm, rồi ngầm giấu móng lừa đen và bùa Mô Kim vào người, tôi rờ tay kiểm tra độ chắc chắn của dây thừng, bàn cách liên lạc, nếu đèn pin chiếu lên trên xoay ba vòng, người bên trên thấy thì phải dừng thả dây; soi xoay tròn lần thứ hai thì kéo dây lên, để đề phòng bất trắc, tôi còn cầm cả còi, nếu mọi người không thấy tia sáng phát ra từ đèn pin, thì tôi sẽ dùng còi liên lạc.

Đang giữa đêm, ngoài ánh đèn pin ra, dưới giếng tuyền một màu đen kịt, ngẩng đầu lên cũng chẳng rõ miệng giếng ở chỗ nào, càng xuống càng sâu, nhiệt độ của sa mạc về đêm lại rất thấp, lại cộng với độ ẩm trong giếng cao, khiến người ta cảm thấy lạnh thấu tận xương.

Vách giếng trơn tuột, khó mà bám chân, nghe nói niên đại của cái giếng này còn lâu đời hơn niên đại của thành Tây Dạ, tức là cái giếng này có trước, sau đó mới có thành Tây Dạ. Bỗng đâu một luồng gió lạnh thổi tới, tôi vội lấy đèn pin ra soi, thấy trên vách giếng có một cánh cửa đá.

Tôi ngẩng lên huýt còi và khua đèn pin, chỗ này cách miệng giếng không xa lắm, chỉ độ mười lăm, mười sáu mét, nói lớn tiếng, người bên trên đã có thể nghe thấy. Mọi người nhận được tín hiệu, lập tức ngừng thả dây thừng, tôi vừa vặn cheo leo ở chỗ thấp hơn cửa đá một chút.

Gió lạnh thổi ra từ trong khe cửa đá này, tôi lấy tay đẩy một cái, cảm giác cánh cửa rất dày, không có khoá đá hay then đá, khe cửa tuy lớn, nhưng không đẩy ra được, phài dùng xà beng mới mở ra được.

Tôi thấy không vào được, liền phát tín hiệu lần thứ hai, bảo họ kéo tôi lên. Tôi kể lại tường tận một lượt tình hình dưới giếng, giáo sư Trần cứ lấy làm lạ: “Kỳ quái thật! Đây có lẽ không phải là lăng mộ, chắc là một con đường ngầm gì đó, làm gì có mộ nào xây bên giếng, lại còn để lối vào kì bí như vậy nhỉ?”

Tuyền béo vỗ ngực nói: “Kệ xác là cái gì, đoán già đoán non loằng ngoằng, chúng ta cứ vào là biết ngay. Mọi người thả tôi xuống, tôi cậy cửa ra cho!”

Tôi đáp: “Thôi được rồi, nếu xuống thì vẫn để tôi cầm xà beng xuống, cậu nặng quá, ngộ nhỡ đứt dây, bọn tớ lại phải xuống vớt.”

Lần này chúng tôi làm cái thang dây, như vậy sau khi cửa đá mở ra, ai muốn xuống cũng có thể bám dây thừng leo xuống, cuối cùng quyết định người xuống gồm giáo sư Trần, Shirley Dương, Táp Đế Bằng và tôi, tổng cộng bốn người, Tuyền béo và những người khác ở cả bên trên.

Vẫn là tôi xuống trước, dùng xà beng cậy cửa ra, xem chừng cánh cửa này trước đây thường xuyên được đóng mở, nếu không khe cửa đã chẳng to như vậy, có điều mấy trăm năm trở lại đây có thể chưa được mở lại lần nào, ở trên thang dây không có chỗ tựa để dùng sức, muốn mở cái cửa này thực sự tốn sức lắm.

Sau cánh cửa đá là một lối đi bằng đá gạch, rộng rãi bằng phẳng, bên trong sâu tối đen hun hút, tôi vẫy tay gọi mấy người bên trên xuống, rồi kéo từng người vào trong.

Shirley Dương phát một loại thuốc viên cho mọi người, bảo để dự phòng khi thiếu oxi, đeo mặt nạ phòng độc lên nữa, lúc đi vào bên trong sẽ không có gì sơ suất cả.

Bốn người tiến vào trong chừng năm mươi mét, lần lượt đi qua hai cánh cửa đá, cánh cửa cuối cùng đóng rất chặt, bên trên còn khắc nổi những con thú kì lạ không biết tên là gì, trên khe cửa có dán một lớp da thú, phải dùng xẻng bằng cứa ra mới mở được cửa.

Đi sâu tận cùng, là bước vào một căn phòng bằng đá rộng rãi khô ráo, diện tích chừng đến sáu bảy mười mét, cao ba mét, bốn người đứng ở bên trong không hề cảm thấy bức bí chút nào.

Không gian tuy rộng rãi, nhưng bầu không khí lại chẳng nhẹ nhàng, mặt đất chất đầy xương trắng, không tìm được chỗ đặt chân, đống xương kia đều là xương động vật, mún xốp, giẫm xuống là vụn, bốn phía xung quanh lại có đến mấy mươi cây trụ gỗ dựng đứng, phía trên trói ngững thi thể khô đét, trông thể hình đoán chừng toàn là những chàng trai trẻ.

Ba người tôi, giáo sư Trần và Shirley Dương đều là người từng trải, chỉ cảm thấy nơi này quỉ quái, chứ không thấy sợ sệt gì, chỉ có Táp Đế Bằng thấy nhiều xác khô như vậy, sợ hãi không nói được câu nào, giáo sư đi tới đâu, cậu ta theo đến đó, không rời nửa bước.

Shirley Dương nhìn kĩ những cái xác khô, than thở: “Thật thảm thương quá! Họ đều là những nô lệ hoặc là kẻ tù tội bị đem đi tuẫn táng đây mà, thật quá dã man!”

Giáo sư Trần nói với mọi người: “Xem ra nơi đây là nơi tiến hành cung tế một người rất quan trọng, đây là phong tục của nước Cô Mặc thời cổ đại, những người này đều là tội phạm, bị trói phơi ở sa mạc cho đến khi chết khát, hoàn toàn khô đét, mới đem đặt ở trong đây, sau đó lại chém giết động vật lấy máu tưới lên trên mình những xác khô này. Chúng ta tìm tiếp xem, trong đây thế nào cũng có gian mộ.”

Chúng tôi đi một vòng, tìm khắp chỗ, bốn mặt đều là vách đá, gõ tay mấy cái, rõ ràng là ruột đặc, bên trong chắc không có không gian nào khác.

Vẫn là Shirley Dương tỉ mỉ, phát hiện ra dưới sàn có vấn đề, tôi gạt đống xương vụn ra, phía dưới liền lộ ra một phiến đá chạm khắc phù điêu, hai đầu còn có hai vòng kéo.

Tôi gọi Táp Đế Bằng lại giúp kéo phiến đá lên, thấy cậu ta run rẩy lập bập, tôi đến phì cười, đành cho cậu ta theo đường cũ trở lên, không lại sợ vãi ra quần ở đây mất, tiện thể gọi Hách Ái Quốc xuống đây luôn, anh chàng này nhất định sẽ rất hứng thú đối với ngôi mộ quái dị này.

Táp Đế Bằng như được ân xá, cuống quýt chạy về, giáo sư Trần vừa bực vừa buồn cười: “Ai dà, thằng nhóc này, nhát gan quá, không có chất làm khảo cổ chút nào!”

Tôi và Shirley Dương hợp sức kéo phiến đá dưới đất lên, kế đó vứt một cây pháo sáng xuống, chiếu rọi bên dưới, chỉ thấy đó là một hầm mộ rộng gần bằng căn phòng trên này, ở giữa có đặt một cỗ quan tài gỗ hình vuông, có điều quan tài có hơi khác so với quan tài ở nội địa, không có trang sức hoa văn, cũng không phải hình chữ nhật, mà vuông vắn đều đặn, trông như một chiếc hòm lớn.

Loại hầm mộ cùng với hình thức quan tài này chớ nói tôi chưa từng thấy, ngay cả kiến thức uyên bác như giáo sư Trần cũng chằng thể nhìn ra đầu cua tai nheo gì cả, đây e rằng là một hình thức mộ táng đã thất truyền của dân tộc nào đó thời cổ, chịu sự ảnh hưởng tương đối lớn của văn hoá Hán, nhưng không rập khuôn, mà pha trộn thêm rất nhiều nét văn hoá tự thân của họ, quả là thực hiếm thấy vô cùng.

Lúc này Hách Ái Quốc dẫn theo Sở Kiện chạy tới, anh ta vừa thấy tình hình bên trong, hai mắt liền phát sáng, đeo mặt nạ phòng độc vào, dẫn đầu nhảy xuống trước, xem chỗ nọ, ngắm chỗ kia, trông ra phía sau tíu ta tíu tít. Tôi trước giờ cứ tưởng anh ta là người nghiêm túc cổ lỗ, nào ngờ lúc này trông anh ta giống như một đứa trẻ con, cứ hoa chân múa tay, vò đầu bứt tóc suốt.

Chúng tôi cũng lần lượt xuống dưới gian mộ bên dưới, thoạt nhìn chung quanh, đều không ghìm nổi kêu “A!” lên một tiếng, bốn bức tường của gian mộ, toàn là những bức bích hoạ sặc sỡ, tinh tế vô cùng.

Giáo sư Trần nhìn một bức trong những bức hoạ ấy, xúc động nghẹn ngào: “Bức này… sự kiện bức hoạ này ghi chép, có liên quan đến nước Tinh Tuyệt đây này…”

Thứ tôi muốn xem nhất là đồ tuỳ táng đáng giá, cỗ quan tài này không nhỏ, nói không chừng bên trong có thứ gì hay ho, tuy trước mặt mấy người giáo sư không thể thó đi được, nhưng cũng có thêr mở rộng tầm mắt. Lúc này tôi có cảm giác ngôi mộ quí tộc này còn xa hoa hơn ngôi mộ tướng quân ở Hắc Phong Khẩu nhiều.

Nhưng giáo sư Trần đang xem bích hoạ ở trên vách gian mộ, không để ý đến chỗ quan tài, tôi đành nhẫn nại chờ đợi, đứng nghe giáo sư Trần giảng giải cho mấy người kia nghe về nội dung bích hoạ.

Mấy bức phía trước chỉ ra rằng rõ ràng chủ mộ sinh thời là vương tử của nước Cô Mặc. Cô Mặc là nước phiên thuộc của Tinh Tuyệt, chịu đủ chèn ép, mỗi năm đều phải cống một lượng lớn châu báu, bò dê, nô lệ, vị vương tử này từng đi thỉnh cầu nữ vương nước Tinh Tuyệt cho thần dân của ông ta được tự do, đi cả thảy ba lần, nhưng đều không gặp được nữ vương.

Bức tranh này đại khái nói rằng ông không cam tâm, vị vương tử dũng cảm này là hoá thân của Thái dương Chiến thần, đã một mình lẻn vào Tinh Tuyệt hành thích nữ vương độc ác, nhưng lại phát hiện ra một bí mật vô cùng to lớn.

Tôi nghe một lúc rồi cũng bị lời kể của giáo sư Trần cuốn hút, tò mò không biết rốt cuộc đó là bí mật gì, vội chạy ra đứng cùng Shirley Dương và mấy người lắng nghe giáo sư giảng giải.

Giáo sư Trần bước đến cạnh một bức bích hoạ, xem xét kĩ lưỡng hồi lâu, rồi nói: “Bức này ý tứ rất là cổ quái, mọi người xem xem, trong tranh, vương tử nấp vào một góc nhìn trộm. Mặt của nữ vương Tinh Tuyệt trong tất cả các bức hoạ đều che bằng mạng mỏng, trong bức này chỉ nhìn thấy sau lưng, bà ta một tay vén mạng che mặt lên, người đối diện, hình như là nô lệ gì đó, liền biến thành một cái bóng… rồi biến mất?”

Tôi nghe thấy hồ đồ, đang định hỏi kĩ hơn, nhưng đã thấy Shirley Dương nói: “Nữ vương này là một… yêu quái.”

“Yêu quái!?” giáo sư Trần nghe lời này sững lại trong giây lát, rồi nói với Shirley Dương, “Hay đấy, thử nói cách nghĩ của cháu xem!”

Shirley Dương chỉ vào bức bích hoạ nói: “Vị hoạ sư vẽ bức bích hoạ này tay nghề rất cao, đường nét hoa lệ mà lại truyền thần, thuật lại những sự việc quan trọng trong đời của vị vương tử nước Cô Mặc này, tuy không có văn tự chú thích, nhưng vẫn rất rõ ràng khúc triết.”

Tôi vừa nghe Shirley Dương phân tích vừa nhìn bức hoạ kĩ hơn, quả đúng như lời cô nói, trong bức hoạ từ nhân vật, phục sức, kiến trúc, thần thái đều sống động như thật, nếu hiểu văn hoá Tây Vực, có thể dựa vào những thông tin trong tranh mà nắm được một cách đại khái bối cảnh sự kiện bích hoạ miêu tả.

Shirley Dương tiếp tục trình bày: “Vừa nãy giáo sư có nói bức hoạ này khó lý giải nhất trong các bức bích hoạ ở đây. Nữ vương vạch tấm mạng từ đầu tới cuối vẫn che đi gương mặt của mình ra, nhân vật đối diện bà ta, liền hoá thành nét phác mờ. Tất cả các nhân vật trong bức hoạ đều được vẽ bằng bút pháp tả thực, duy có nhân vật đối diện với nữ vương Tinh Tuyệt là vẽ bằng nét mờ, chỉ phác hoạ đường nét thấp thoáng phía ngoại, chỉ dựa vào những đường nét này, chúng ta không thể xác minh được thân phận của nhân vật, chỉ có thể đoán nhân vật vẽ mờ này, đại loại là nô lệ hoặc thích khách gì đó, một kẻ địch mà nữ vương muốn trừ khử.”

Tôi nghe đến đây liền buột miệng chêm vào một câu: “Cô Dương này, ý cô là… người trong tranh thấy mặt nữ vương, liền biến mất luôn?”

Shirley Dương đáp: “Cũng đại loại như vậy, nếu dùng lời của tôi giải thích, tôi sẽ nói đôi mắt của nữ vương nhìn vào người này, người này liền biến mất luôn.”

Tôi lắc đầu cười gượng: “Người đang sống sờ sờ ra, nhìn một cái là biến mất luôn? Biệt tăm luôn? Việc này… việc này quá là… thật không thể hiểu nổi, thực không dám giấu tôi thấy không hiểu chút nào.”

Giáo sư Trần tựa hồ như hiểu được ý của Shirley Dương, bèn tỏ ý bảo cô nói tiếp.

Shirley Dương nói: “Tôi vừa rồi tuy chỉ là suy đoán, nhưng không phải là hoàn toàn vô căn cứ. Cha tôi sinh thời thích đọc một cuốn sách tên là Đại Đường Tây Vực kí, do cao tăng Huyền Trang đời Đường viết, tôi cũng từng xem qua mấy lượt, trong sách ghi chép rất nhiều các truyền thuyết thần thoại, nhưng cũng không ít là việc thực, trong đó có một thành trì, trong thành là nơi cư trú của một dân tộc đến từ lòng đất, bọn họ chinh phục và thống trị những nước nhỏ xung quanh. Sau mấy trăm năm, vương vị được truyền cho một nữ vương, tương truyền đôi mắt của vị nữ vương này, là con đường nối liền âm giới, bà ta chỉ cần nhìn kẻ địch một cái, đối phương sẽ lập tức biến mất tăm mất tích, và vĩnh viễn không thể quay trở lại, người bị biến mất đi đâu, e rằng chỉ có bản thân họ mới biết. Nữ vương thống trị rất hà khắc, bà ta bắt dân chúng ở các nước xung quanh, đều phải cung phụng bà ta như thần thánh, những kẻ phản kháng đều nhất loạt bị lột da xử tử, có lẽ hành động của bà ta đã làm cho đức Allah tức giận, nữ vương chưa hành hạ dân chúng được bao năm thì mắc phải bệnh lạ mà chết.

“Những nô lệ kia sợ nhất là nữ vương, bà ta vừa chết đi, bọn họ liền bắt tay với các quốc gia nhỏ bị nữ vương đè nén, tổ chức liên quân, tắm máu vương thành của nữ vương. Liên quân chuẩn bị phá huỷ lăng mộ của nữ vương, thì lúc ấy trời đất đổỉ màu, cơn gió cát đáng sợ đã nuốt chửng toàn bộ vương thành và liên quân, lăng mộ của nữ vương cùng vô số tài sản bà ta vơ vét được đều bị chôn vùi dưới lớp cát vàng. Qua mấy trăm năm sau, sa mạc lưu động, khiến vương thành lần nữa được trông thấy ánh mặt trời, một số lữ khách đi ngang qua đó, chỉ cần lấy bất kì món của cải nào trong thành, sẽ gây ra gió bão, khói bụi mù mịt, và rồi lạc đường, kẻ lấy châu báu của nữ vương sẽ vĩnh viễn không rời khỏi được nơi ấy.”

“Nhưng thông tin về toà thành thần bí, nữ vương tàn ác và niên đại, bối cảnh đương thời đều không được ghi chép chính xác trong sách, hôm nay nhìn thấy các bức bích hoạ này, đối chiếu với truyền thuyết cổ xưa kia, không ngờ lại có nhiều chỗ hết sức giống nhau, khiến người ta có cảm giác đó không chỉ là truyền thuyết, có lẽ trong lịch sử phủ kín bụi mù kia, quả thực từng xảy ra những sự kiện như vậy.”

Shirley Dương để mọi người xem tiếp mấy bức còn lại: “Sở dĩ tôi dám khẳng định, nữ vương trong bức hoạ lâ nữ vương Tinh Tuyệt, là bởi phục sức của người Tinh Tuyệt rất đặc biệt, còn cả kiến trúc và các đồ trang sức độc đáo khác, những thứ này đều là những thứ có sức thuyết phục nhất. Giáo sư! Anh Nhất! Mọi người tiếp tục nhìn thấy mấy bức bích hoạ phía sau này, chúng càng chứng minh suy luận của tôi là có thể tin cậy, ý tứ biểu đạt trong mấy bức hoạ này đều rất rõ ràng, vương tử hành thích nữ vương không thành, trở về nước vẫn bàn mưu tính kế tiếp tục tiêu diệt bà ta, bấy giờ vương tử gặp một thầy bói đến từ một đất nước xa xôi, thầy bói này bảo vương tử đem thuốc độc mạn tính đặc chế tẩm vào thịt dê vàng, sau đó đem tiến cống cho nữ vương. Quả nhiên không lâu sau đã nhận được tin nữ vương đột tử. Cùng lúc ấy, vương tử cũng bởi lao nhọc quá độ mà qua đời sớm, vương tử và người vợ yêu dấu của ông được hợp táng chung một chỗ. Thầy bói thiết kế một lăng mộ, an táng họ bên dưới đàn tế trong giếng thánh này.”

Hoá ra đàn tế ở trên có trước, rồi mới xây dựng hầm mộ bên dưới, những sự kiện quan trong bích hoạ đều ăn khớp với những chi tiết ghi chép trong cuốn sách kia. Giáo sư Trần thấy Shirley Dương tuy là nhiếp ảnh gia, nhưng dù sao cũng xuất thân trong gia đình có truyền thống khảo cổ, hiểu nhiều biết rộng, bạn học cũ có đứa con gái như vậy, thực lấy làm an ủi lắm. Lúc này lại nhớ đến người bạn già mất tích trong sa mạc, bất giác nước mắt nhạt nhòa.

Shirley Dương nói với giáo sư: “Bác nên giữ gìn sức khoẻ, đừng quá đau buồn, lần này chúng ta thu hoạch không nhỏ, có những tiến triển mang tính đột phá trong tìm hiểu di tích Tinh Tuyệt, cháu tin rằng không lâu nữa, chúng ta nhất định có thể tìm được thành cổ Tinh Tuyệt. Cha cháu trên trời có thiêng, cũng có thể nhắm mắt được rồi.”

Tôi nghe mà rầu hết cả lòng, vốn tưởng tìm thấy ngôi mộ cổ này, sẽ khiến bọn họ quay đầu trở về, nào ngờ việc chẳng như mong muốn, tình hình thế này, có khuyên họ nữa cũng vô ích, sớm biết như vậy ngay từ đầu cứ giả vờ không thấy cho xong.

Tôi đột nhiên nhớ Shỉley Dương bảo nữ vương của nước Tinh Tuyệt là yêu quái, bèn hỏi: “Cô Dương này, tôi nhớ lúc trước lúc mấy người đàm luận có nhắc đến chuyện nữ vương Tinh Tuyệt là đệ nhất mỹ nữ của Tây Vực, những người con gái khác đứng trước bà ta, thì đều như trăng sao gặp phải mặt trời, lu mờ khuất lấp, giờ sao lại bảo bà ta là yêu quái thật, chúng ta đi tìm mộ yêu quái, chẳng phải là đến tìm cái chết hay sao?”

Shirley Dương trả lời: “Những điều đó chỉ toàn là truyền thuyết, cộng với suy luận của chúng ta, chứ không chắc đã có thể khẳng định đó là sự thực. Công việc khảo cổ là như vậy, các truyền thuyết, các ghi chép, cổ vật khai quật được, cộng với sự suy đoán của học giả, nội dung càng nhiều, càng tiếp cận được với chân tướng của lịch sử. Nhưng những gì chúng ta có thể làm, chẳng qua chỉ là tiếp cận chân tướng theo đường tiệm cận vô hạn, bất kì sự kiện lịch sử nào cũng sẽ chẳng thể nào được hoàn nguyên. Thời cổ đại, trình độ nhận thức của loài người đối với thế giới còn rất thấp, một số hiện tượng ngày nay coi là rất phổ biến, thì thời xưa đều bị khuếch đại lên thành yêu ma quỉ quái hay thần tích, cho dù ngày nay, khoa học phát triển cao độ, vẫn còn vô số hiện tượng chẳng cách nào lý giải bằng khoa học, tôi tin những hiện tượng đó không phải vì thực sự có thánh thần hay ma quỉ, mà chẳng qua vì lĩnh vực nghiên cứu của khoa học vẫn chưa đủ, năm tháng sau này, nhất định sẽ có thể tìm ra được đáp án của câu đố chưa thể giải được bằng con đường khoa học.”

Tôi lại nói tiếp: “Vậy việc nữ vương Tinh Tuyệt trong chớp mắt có thể làm biến mất một con người, chuyện này ở thời buổi văn minh và khoa học rất phát triển như ngày nay, thì phải lí giải như thế nào?”

Shirley Dương đáp: “Anh Nhất, không biết anh có nghe đến sự kiện từng ầm ĩ một thời ở nước Mỹ không nhỉ. Ở trung tâm nghiên cứu hiện tượng và bệnh lí đặc thù tại bang Kansas Mỹ từng xuất hiện một bệnh nhân cực kì đặc biệt, đó là một bé trai mười hai tuổi, từ nhỏ đã có một năng lực kì dị, khi cậu ta nhìn chằm chằm một lúc lâu vào một vật thể có đường kính nhỏ hơn 5 mm, vật thể đó sẽ biến mất, tựa như bốc hơi trong không khí vậy. Hàng xóm coi cậu bé như một loại dị chủng, bảo cậu ta là yêu quái. Bố mẹ cậu bé cũng khốn đốn theo, nên rất hy vọng các cơ quan hữu quan của chính phủ có thể giúp họ chữa trị cho cậu bé.”

Điều này quả thực là kì lạ, tôi trước giờ chưa từng nghe nói đến, chuyện trong nước Trung Quốc chúng tôi còn chẳng biết nhiều, huống hồ là chuyện lạ ở nước Mỹ, loại bệnh đó rốt cuộc là chuyện thế nào? Nghe ra thì thấy có vẻ giống nữ vương yêu quái kia, thế cuối cùng đứa bé đó có được chữa khỏi không?

Shirley Dương trả lời: “Trải qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ra sóng não của đứa bé trai khác với người thường, thần kinh não và thần kinh thị giác của cậu ta sản sinh ra một loại năng lượng vận chuyển, loại năng lượng này kết nối với một không gian số ảo (vùng không gian không thể nhận tri). Khả năng đặc dị này chỉ chiếm một phần ba tỉ trong loài người, cuối cùng có nhà nghiên cứu tìm ra một cách, họ chế ra một chiếc mũ từ tính đội lên đầu cậu bé, một năm sau, khả năng đặc biệt của cậu bé liền biến mất. Hồi ấy quân đội Mỹ từng có kế hoạch bí mật đưa cậu bế đến Trung tâm Nghiên cứu Quân sự Quốc gia, nhưng sự việc bại lộ, trước làn sóng phản đối rầm rộ của dân chúng, bọn họ không thể không huỷ bo kế hoạch này.”

Nghe câu chuyện này, lòng tôi lại thấp thỏm, ả nữ vương tà ác trong truyền thuyết kia, e rằng chẳng đơn giản như thằng bé người Mỹ. Chết thì tôi chẳng sợ, thảng như chúng tôi tìm được lăng mộ nữ vương, ngộ nhỡ bị bà ta cho biến đi đến nơi nảo nơi nào không hay biết, thì phải làm sao? Dù sao cứ đi bước nào hay bước ấy đã, nếu thực sự nguy hiểm, tôi sẽ dùng thủ đoạn cứng rắn bắt họ lôi cổ về, xem ai dám không nghe lệnh? Mẹ kiếp, tôi chẳng tin cánh tay của mấy tên trí thức này có thể vặn được đùi tôi, có mà tôi đập cho bằng chết ấy chứ.

Nói dông nói dài, lãng phí kha khá thời gian, các bức bích hoạ xung quanh đã nghiên cứu hết cả rồi. Tôi hỏi giáo sư Trần, mấy thứ trong quan tài, có xem nữa hay không?

Chapter
1 Quyển 1 - Chương 1: Ả người giấy và anh bạn chuột
2 Quyển 1 - Chương 2: “Thập lục tự âm dương phong thuỷ bí thuật”
3 Quyển 1 - Chương 3: Ngôi mộ trong núi
4 Quyển 1 - Chương 4: Dòng Côn Luân không băng
5 Quyển 1 - Chương 5: Bọ lửa
6 Quyển 1 - Chương 6: Lầu ma chín tầng
7 Quyển 1 - Chương 7: Kỳ nhông chúa
8 Quyển 1 - Chương 8: Động đất
9 Quyển 1 - Chương 9: Cuộc trùng phùng
10 Quyển 1 - Chương 10: Răng vàng
11 Quyển 1 - Chương 11: Hắc phong khẩu – Dã nhân câu
12 Quyển 1 - Chương 12: Bổng nguyệt câu
13 Quyển 1 - Chương 13: Ma thổi đèn
14 Quyển 1 - Chương 14: Xích hống
15 Quyển 1 - Chương 15: Căn cứ bí mật ngầm của quân Quan Đông
16 Quyển 1 - Chương 16: Mật thất
17 Quyển 1 - Chương 17: Lười đất thảo nguyên
18 Quyển 1 - Chương 18: Nga thân li văn song ly bích
19 Quyển 1 - Chương 19: Đoàn khảo cổ
20 Quyển 1 - Chương 20: Huyệt ma trong biển cát
21 Quyển 1 - Chương 21: Thành cổ Tây Dạ
22 Quyển 1 - Chương 22: Sa mạc đen
23 Quyển 1 - Chương 23: Hẻm núi Zhaklama
24 Quyển 1 - Chương 24: Tháp đen
25 Quyển 1 - Chương 25: Đèn thần cột đá
26 Quyển 1 - Chương 26: Đường hầm bí mật
27 Quyển 1 - Chương 27: Kho báu
28 Quyển 1 - Chương 28: Hoa thơm xác
29 Quyển 1 - Chương 29: Thạch thất
30 Quyển 1 - Chương 30: Lời sấm truyền cổ xưa
31 Quyển 1 - Chương 31: Thật và giả
32 Quyển 1 - Chương 32: Trúng tà
33 Quyển 1 - Chương 33: Đào thoát
34 Quyển 2 - Chương 1: Chiếc hài thơm
35 Quyển 2 - Chương 2: Vượt sông
36 Quyển 2 - Chương 3: Truyền thuyết
37 Quyển 2 - Chương 4: Lên kế hoạch
38 Quyển 2 - Chương 5: Dốc bàn Xà
39 Quyển 2 - Chương 6: Ngư Cốt miếu
40 Quyển 2 - Chương 7: Đường hầm trộm mộ
41 Quyển 2 - Chương 8: Minh điện
42 Quyển 2 - Chương 9: Nội tàng oan
43 Quyển 2 - Chương 10: Khuôn mặt
44 Quyển 2 - Chương 11: Vết mẻ hình trăng khuyết
45 Quyển 2 - Chương 12: Hồn mộ
46 Quyển 2 - Chương 13: Bậc thang huyền hồn
47 Quyển 2 - Chương 14: Mất tích
48 Quyển 2 - Chương 15: Nhện chàm đen mặt người
49 Quyển 2 - Chương 16: Điện thần dưới lòng đất
50 Quyển 2 - Chương 17-18: Ngọc Văn Hương - Long cốt
51 Quyển 2 - Chương 19: Văn tự mật
52 Quyển 2 - Chương 20: Hồi tưởng
53 Quyển 2 - Chương 21: Ban sơn đạo nhân
54 Quyển 2 - Chương 22: Mèo hoang
55 Quyển 2 - Chương 23: Hắc thủy thành
56 Quyển 2 - Chương 24: Linh mục
57 Quyển 2 - Chương 25: Thông thiên đại phật tự
58 Quyển 2 - Chương 26: Xương trắng
59 Quyển 2 - Chương 27: Tượng phật đen
60 Quyển 2 - Chương 28: Trùng ngọc
61 Quyển 2 - Chương 29: Khói ma
62 Quyển 2 - Chương 30: Quyết định
63 Quyển 2 - Chương 31: Thạch bí điếm
64 Quyển 2 - Chương 32: Quẻ bói của lão mù
65 Quyển 2 - Chương 33: Đầm nước
66 Quyển 2 - Chương 34: Chiếc chum kỳ lạ
67 Quyển 2 - Chương 35: Manh mối
68 Quyển 2 - Chương 36: Mộ Hiến Vương
69 Quyển 3 - Chương 1: Tai nạn giao thông
70 Quyển 3 - Chương 2: Quán trọ thái vân
71 Quyển 3 - Chương 3: Chiến dịch hồ điệp
72 Quyển 3 - Chương 4: Treo ngược
73 Quyển 3 - Chương 5: Nước sâu mười ba mét
74 Quyển 3 - Chương 6: Lưỡi dao
75 Quyển 3 - Chương 7: Băng núi vượt sông
76 Quyển 3 - Chương 8: Rừng rậm
77 Quyển 3 - Chương 9: Tín hiệu ma
78 Quyển 3 - Chương 10: Máy đánh chữ
79 Quyển 3 - Chương 11: Lệnh tìm kiếm
80 Quyển 3 - Chương 12: Máu đỏ
81 Quyển 3 - Chương 13: Thăng quan phát tài
82 Quyển 3 - Chương 14: Bủa vây tuyệt đối
83 Quyển 3 - Chương 15: Trấn lăng phả
84 Quyển 3 - Chương 16: Trước miệng cốc
85 Quyển 3 - Chương 17: Khu vực cấm
86 Quyển 3 - Chương 18: Chín khúc vóng quanh chầu về núi
87 Quyển 3 - Chương 19: Khu rừng hóa thạch
88 Quyển 3 - Chương 20: Cái xác chết trôi
89 Quyển 3 - Chương 21: Hang khác đáy
90 Quyển 3 - Chương 22: Bí mật về sơn thần
91 Quyển 3 - Chương 23: Đống thây
92 Quyển 3 - Chương 24: Giáp ma vẳy rồng
93 Quyển 3 - Chương 25: Hộp pandora
94 Quyển 3 - Chương 26: Bào thai động đậy
95 Quyển 3 - Chương 27: Gậy long hổ
96 Quyển 3 - Chương 28: Một chia ba
97 Quyển 3 - Chương 29: Quỷ thai
98 Quyển 3 - Chương 30: Quỷ khốc thần sầu
99 Quyển 3 - Chương 31: Tách vỏ chui ra
100 Quyển 3 - Chương 32: Cung điện trên trời
101 Quyển 3 - Chương 33: Nước biếc bí hiểm
102 Quyển 3 - Chương 34: Xoáy nước đen
103 Quyển 3 - Chương 35: Cung lăng vân, điện hội tiên
104 Quyển 3 - Chương 36: Hậu điện
105 Quyển 3 - Chương 37: Lửa nung
106 Quyển 3 - Chương 38: Cửa sổ nhà trời
107 Quyển 3 - Chương 39: Cái lưỡi
108 Quyển 3 - Chương 40: Thủy nhi
109 Quyển 3 - Chương 41: Gõ hỏi cửa trời
110 Quyển 3 - Chương 42: Ba vị quốc vương
111 Quyển 3 - Chương 43: Nến trường sinh
112 Quyển 3 - Chương 44: Thạch tinh
113 Quyển 3 - Chương 45: Đoạt hồn
114 Quyển 3 - Chương 46: Cẳnh ngắm hồ
115 Quyển 3 - Chương 47: Cái xác thứ mười
116 Quyển 3 - Chương 48: Chặt đầu
117 Quyển 3 - Chương 49: Nhiễm độc lan nhanh
118 Quyển 3 - Chương 50: Oan gia ngõ hẹp
119 Quyển 3 - Chương 51: Con số bí ẩn
120 Quyển 3 - Chương 52: Ông già khang-ba
121 Quyển 3 - Chương 53: Quỷ mẫu kích bát đồ
122 Quyển 3 - Chương 54: Đêm trăng tìm sói
123 Quyển 3 - Chương 55: Chiếc ka u của cơ ma
124 Quyển 3 - Chương 56: Tinh địa không hành
125 Quyển 4 - Chương 1: Kẻ sưu tầm cái chết
126 Quyển 4 - Chương 2: Xác thủy tinh ở sông băng
127 Quyển 4 - Chương 3: Ấn phát khâu
128 Quyển 4 - Chương 4: Lợi thiệp đại xuyên
129 Quyển 4 - Chương 5: Mắt bạc cổ cánh
130 Quyển 4 - Chương 6: Hồ tiên nữ
131 Quyển 4 - Chương 7: Hang phật luân hồi
132 Quyển 4 - Chương 8: Rình rập ban đêm
133 Quyển 4 - Chương 9: Kế hoạch b
134 Quyển 4 - Chương 10: Đôi mắt bẳn năng
135 Quyển 4 - Chương 11: Tiến vào kelamer
136 Quyển 4 - Chương 12: Hoảng hốt
137 Quyển 4 - Chương 13: Xác ướp kim thân Tuyết sơn
138 Quyển 4 - Chương 14: Nô lệ yêu nghiệt
139 Quyển 4 - Chương 15: Lời nguyền linh cái
140 Quyển 4 - Chương 16: Đánh phủ đầu
141 Quyển 4 - Chương 17: Nãi cùng thần băng
142 Quyển 4 - Chương 18: Huyết nhĩ hoa đỏ
143 Quyển 4 - Chương 19: Rùa thoát xác
144 Quyển 4 - Chương 20: Ngư trận
145 Quyển 4 - Chương 21: Chúa của hồ nước
146 Quyển 4 - Chương 22: Đầu bó
147 Quyển 4 - Chương 23: Tuyến x
148 Quyển 4 - Chương 24: Thành ác la hẳi đích thực
149 Quyển 4 - Chương 25: Thất lạc
150 Quyển 4 - Chương 26: Tôm cầu
151 Quyển 4 - Chương 27: Núi kích lôi
152 Quyển 4 - Chương 28: Địa đạo trắng
153 Quyển 4 - Chương 29: Gông cùm đen
154 Quyển 4 - Chương 30: Người có thể hy sinh
155 Quyển 4 - Chương 31: Đồng hồ tử vong đếm ngược
156 Quyển 4 - Chương 32: Lá thăm sinh tử
157 Quyển 4 - Chương 33: Vật hiến tế
158 Quyển 4 - Chương 34: Kẻ địch tàng hình
159 Quyển 4 - Chương 35: Huyết tế
160 Quyển 4 - Chương 36: Hướng tây bắc chếch bắc
161 Quyển 4 - Chương 37: Hang rắn
162 Quyển 4 - Chương 38: Thiên nhãn
163 Quyển 4 - Chương 39: Linh hồn khắc trên đá
164 Quyển 4 - Chương 40: Chết vì đôi mắt
165 Quyển 4 - Chương 41: Ban nhạc bremen
166 Quyển 4 - Chương 42: Hoàn thành tâm nguyện
167 Quyển 4 - Chương 43: Tiền thù lao
168 Quyển 4 - Chương 44: Con đường chung, nhiệm vụ chung
169 Quyển 4 - Chương 45: Rửa tay gác kiếm
170 Quyển 5 - Chương 1: Mùa đông đói kém
171 Quyển 5 - Chương 2: Mộ hoàng bì tử
172 Quyển 5 - Chương 3: Bẫy đêm
173 Quyển 5 - Chương 4: Truyền thuyết gấu
174 Quyển 5 - Chương 5: Cắt tay móc mật
175 Quyển 5 - Chương 6: Quỷ nha môn
176 Quyển 5 - Chương 7: Lão điếu gia
177 Quyển 5 - Chương 8: Thòng lọng
178 Quyển 5 - Chương 9: Cắt gạch mộ
179 Quyển 5 - Chương 10: Lá thư đến từ thảo nguyên
180 Quyển 5 - Chương 11: Khu vực cấm
181 Quyển 5 - Chương 12: Khắc Luân Tả Kỳ dưới bầu trời đêm
182 Quyển 5 - Chương 13: Ruồi trâu
183 Quyển 5 - Chương 14: Mất tích
184 Quyển 5 - Chương 15: Con du diên
185 Quyển 5 - Chương 16: Canh cá
186 Quyển 5 - Chương 17: Động bách nhãn
187 Quyển 5 - Chương 18: Tranh khắc rồng
188 Quyển 5 - Chương 19: Dẫn hồn kê
189 Quyển 5 - Chương 20: Quái lâu
190 Quyển 5 - Chương 21: Hung thiết
191 Quyển 5 - Chương 22: Ngọn đèn lẻ loi
192 Quyển 5 - Chương 23: Người thứ năm
193 Quyển 5 - Chương 24: Trăn vảy gấm
194 Quyển 5 - Chương 25: Âm hồn bất tán
195 Quyển 5 - Chương 26: Cương thi
196 Quyển 5 - Chương 27: Quy miên địa
197 Quyển 5 - Chương 28: Túi đồ kiểu Nga
198 Quyển 5 - Chương 29: Cốc tai Molotov
199 Quyển 5 - Chương 30: Tinh biến
200 Quyển 5 - Chương 31: Cái hang kinh hoàng
201 Quyển 5 - Chương 32: Thuật đọc tâm
202 Quyển 5 - Chương 33: Cổ vật nghìn năm
203 Quyển 5 - Chương 34: Phiên hiệu số “0”
204 Quyển 5 - Chương 35: Xác chết trong hầm đất
205 Quyển 5 - Chương 36: Phòng cấm
206 Quyển 5 - Chương 37: Mặt nạ
207 Quyển 5 - Chương 38: Chất chống thối rữa
208 Quyển 5 - Chương 39: Tủ cất giữ tiêu bản
209 Quyển 5 - Chương 40: Thủ cung sa
210 Quyển 5 - Chương 41: Lão Dương Bì, kẻ trộm mộ
211 Quyển 5 - Chương 42: Đường không lối về
212 Quyển 5 - Chương 43: Mộng
213 Quyển 5 - Chương 44: Con đường tăm tối
214 Quyển 5 - Chương 45: Điện diêm la
215 Quyển 5 - Chương 46: Giếng vàng
216 Quyển 5 - Chương 47: Thủy đảm
217 Quyển 5 - Chương 48: Thiệt lậu
218 Quyển 5 - Chương 49: Phần phong
219 Quyển 5 - Chương 50: Huyệt sâu tám thước
220 Quyển 5 - Chương 51: Sấm sét
221 Quyển 5 - Chương 52: Sinh ly tử biệt
222 Quyển 5 - Chương 53: Trùm trộm mộ phái Xả Lĩnh
223 Quyển 5 - Chương 54: Yêu hóa long
224 Quyển 6 - Chương 1: Tổ sư trộm mộ
225 Quyển 6 - Chương 2: Tần Vương Chiếu Cốt kính
226 Quyển 6 - Chương 3: Long hỏa
227 Quyển 6 - Chương 4: Cá nuốt thuyền
228 Quyển 6 - Chương 5: Ban sơn trấn hải
229 Quyển 6 - Chương 6: Thanh đầu
230 Quyển 6 - Chương 7: Cổ ngọc dưới biển
231 Quyển 6 - Chương 8: Tàu chĩa ba
232 Quyển 6 - Chương 9: Cấm kỵ khi đi biển
233 Quyển 6 - Chương 10: Bóng ma
234 Quyển 6 - Chương 11: Con tàu ma
235 Quyển 6 - Chương 12: Họa ập xuống đầu
236 Quyển 6 - Chương 13: Thủy thần pháo Kumbhira
237 Quyển 6 - Chương 14: Long thượng thủy
238 Quyển 6 - Chương 15: Quan tài nổi
239 Quyển 6 - Chương 16: Khoang đáy
240 Quyển 6 - Chương 17: Thủy triều
241 Quyển 6 - Chương 18: Xuống biển dò Nam Long
242 Quyển 6 - Chương 19: Ốc ngậm ngọc
243 Quyển 6 - Chương 20: Dưa trôi dụ cá
244 Quyển 6 - Chương 21: Quái vật biển
245 Quyển 6 - Chương 22: Xà cừ
246 Quyển 6 - Chương 23: Khinh núi chớ khinh biển
247 Quyển 6 - Chương 24: Không lối ra
248 Quyển 6 - Chương 25: Cú nhảy kinh hoàng
249 Quyển 6 - Chương 26: Quy khư
250 Quyển 6 - Chương 27: Vực dưới biển - Bụng cá voi
251 Quyển 6 - Chương 28: Rồng
252 Quyển 6 - Chương 29: Nghĩa địa tàu đắm
253 Quyển 6 - Chương 30: Ma
254 Quyển 6 - Chương 31: Đàn cá mập
255 Quyển 6 - Chương 32: Hộp báu
256 Quyển 6 - Chương 33: Mực khổng lồ
257 Quyển 6 - Chương 34: Nước sâu lửa nóng
258 Quyển 6 - Chương 35: Mãnh quỷ sổ lồng
259 Quyển 6 - Chương 36: Nước tù không có rồng
260 Quyển 6 - Chương 37: Hải hòa thượng
261 Quyển 6 - Chương 38: Điện đồng
262 Quyển 6 - Chương 39: Xạ nhật
263 Quyển 6 - Chương 40: Có gân mà chẳng có xương
264 Quyển 6 - Chương 41: Xác mồi
265 Quyển 6 - Chương 42: Định hải thần châm
266 Quyển 6 - Chương 43: Bôn nguyệt
267 Quyển 6 - Chương 44: Cương nhân Nam Hải
268 Quyển 6 - Chương 45: Thực thiên
269 Quyển 6 - Chương 46: Đỉnh cổ
270 Quyển 6 - Chương 47: Chấn kinh bách lý
271 Quyển 6 - Chương 48: Long huyệt
272 Quyển 6 - Chương 49: Châu mẫu hải
273 Quyển 6 - Chương 50: Giết trai lấy ngọc
274 Quyển 6 - Chương 51: Vầng trăng ma quỷ
275 Quyển 6 - Chương 52: Giao lão
276 Quyển 6 - Chương 53: Tuyệt cảnh
277 Quyển 6 - Chương 54: Quá long binh
278 Quyển 6 - Chương 55: Người Hà Lan bay
279 Quyển 6 - Chương 56: Cứu mạng
280 Quyển 7 - Chương 1: Lưu Ly xưởng
281 Quyển 7 - Chương 2: Na tra bát tý
282 Quyển 7 - Chương 3: Câu chuyện đào mộ
283 Quyển 7 - Chương 4: Nghĩa trang lão hùng
284 Quyển 7 - Chương 5: Hao tử nhị cô
285 Quyển 7 - Chương 6: Thuật tống xác
286 Quyển 7 - Chương 7: Cắn tai
287 Quyển 7 - Chương 8: Rửa ruột
288 Quyển 7 - Chương 9: Bia báo cổ
289 Quyển 7 - Chương 10: Thám bình sơn
290 Quyển 7 - Chương 11: Tiểu đoàn công binh
291 Quyển 7 - Chương 12: Đất dời thây
292 Quyển 7 - Chương 13: Tan chảy
293 Quyển 7 - Chương 14: Cưỡi mây đạp gió
294 Quyển 7 - Chương 15: Con rết sáu cánh
295 Quyển 7 - Chương 16: Trùng môn chống trộm
296 Quyển 7 - Chương 17: Ủng thành
297 Quyển 7 - Chương 18: Nỏ thần tí sàng tử
298 Quyển 7 - Chương 19: Cạm bẫy liên hoàn vô hạn vĩnh cửu
299 Quyển 7 - Chương 20: Thoát chết trong gang tấc
300 Quyển 7 - Chương 21: Bản kim phong
301 Quyển 7 - Chương 22: Chó không quá tám năm, gà không qua sáu tuổi
302 Quyển 7 - Chương 23: Tài kê lệnh
303 Quyển 7 - Chương 24: Sơn âm
304 Quyển 7 - Chương 25: Phân sơn quật tử giáp
305 Quyển 7 - Chương 26: Huyệt lăng
306 Quyển 7 - Chương 27: Đấu cung
307 Quyển 7 - Chương 28: Cường địch
308 Quyển 7 - Chương 29: Giả chết
309 Quyển 7 - Chương 30: Lò luyện đơn
310 Quyển 7 - Chương 31: Tiên cảnh điêu tàn
311 Quyển 7 - Chương 32: Vân Tàng bảo điện
312 Quyển 7 - Chương 33: Sương ẩn hành lang
313 Quyển 7 - Chương 34: Quan sơn thái bảo
314 Quyển 7 - Chương 35: Núi có tam hương
315 Quyển 7 - Chương 36: Núi cao rung chuyển
316 Quyển 7 - Chương 37: Trong màn đêm
317 Quyển 7 - Chương 38: Vượn trắng
318 Quyển 7 - Chương 39: Khều xác
319 Quyển 7 - Chương 40: Hắc tì bà
320 Quyển 7 - Chương 41: Thi vương Tương Tây
321 Quyển 7 - Chương 42: Hổ xa
322 Quyển 7 - Chương 43: Càn khôn lộn ngược
323 Quyển 7 - Chương 44: Hút hồn
324 Quyển 7 - Chương 45: Khôi Tinh Thích Đẩu
325 Quyển 7 - Chương 46: Bác long trận
326 Quyển 7 - Chương 47: Bác Long trận
327 Quyển 7 - Chương 48: Điểm danh trạng
328 Quyển 7 - Chương 49: Giang hồ
329 Quyển 7 - Chương 50: Thầy phong thủy
330 Quyển 7 - Chương 51: Bảo tàng tự nhiên
331 Quyển 7 - Chương 52: Đêm khuya tĩnh lặng
332 Quyển 7 - Chương 53: Cầu huyền trong phủ
333 Quyển 7 - Chương 54: Cuốn nhật ký thất lạc
334 Quyển 7 - Chương 55: Dối trên gạt dưới
335 Quyển 7 - Chương 56: Tới thăm chuyên gia giải mê văn ám thị
336 Quyển 8 - Chương 1: Mộ cổ thôn Địa Thiên
337 Quyển 8 - Chương 2: Kẻ chạy trốn
338 Quyển 8 - Chương 3: Mây che mù mịt biết là đi đâu
339 Quyển 8 - Chương 4: Bí mật trong chấn nhỏ
340 Quyển 8 - Chương 5: Cái hộp đen
341 Quyển 8 - Chương 6: Đường năm thước
342 Quyển 8 - Chương 7: Khu vực bị xóa khỏi bản đồ
343 Quyển 8 - Chương 8: Hầm phòng không Thanh Kê
344 Quyển 8 - Chương 9: Còi báo động máy bay tập kích
345 Quyển 8 - Chương 10: Hẻm núi quan tài
346 Quyển 8 - Chương 11: Lò mổ trong núi Su
347 Quyển 8 - Chương 12: Đại vương không đầu
348 Quyển 8 - Chương 13: Người chết......thân phận bất minh
349 Quyển 8 - Chương 14: Thiên hiểm vô hình
350 Quyển 8 - Chương 15: Cầu hách hồn
351 Quyển 8 - Chương 16: Kim giáp mao tiên
352 Quyển 8 - Chương 17: Chưởng thiên ma lôi
353 Quyển 8 - Chương 18: Xác chết không thối rữa
354 Quyển 8 - Chương 19: Quan tài ẩn sĩ
355 Quyển 8 - Chương 20: Khỉ ba sơn
356 Quyển 8 - Chương 21: Lời nhắn viết trên vỏ bao thuốc lá
357 Quyển 8 - Chương 22: Khóa cửa cung ly hổ
358 Quyển 8 - Chương 23: Thần bút
359 Quyển 8 - Chương 24: Trong đất có núi
360 Quyển 8 - Chương 25: Vẽ cửa
361 Quyển 8 - Chương 26: Thập bát loạn táng
362 Quyển 8 - Chương 27: Thi trùng
363 Quyển 8 - Chương 28: Ác ma
364 Quyển 8 - Chương 29: Quỷ mị
365 Quyển 8 - Chương 30: Đỗ tiên (20)
366 Quyển 8 - Chương 31: Xác không hồn
367 Quyển 8 - Chương 32: Không vong
368 Quyển 8 - Chương 33: Vũ hầu tàng binh đồ
369 Quyển 8 - Chương 34: Yêu thuật
370 Quyển 8 - Chương 35: Khó tin
371 Quyển 8 - Chương 36: Bài ca nướng bánh
372 Quyển 8 - Chương 37: Quan sơn cốt đồ
373 Quyển 8 - Chương 38: Cửu tử kinh lăng giáp
374 Quyển 8 - Chương 39: Cái chết không hẹn mà đến
375 Quyển 8 - Chương 40: Thiên địa vô môn
376 Quyển 8 - Chương 41: Miếu pháo thần
377 Quyển 8 - Chương 42: Lối thoát khẩn cấp
378 Quyển 8 - Chương 43: Điềm xấu
379 Quyển 8 - Chương 44: Quan sơn tướng trạch đồ
380 Quyển 8 - Chương 45: Kỳ ngộ
381 Quyển 8 - Chương 46: Bàn cổ thần mạch
382 Quyển 8 - Chương 47: Kỵ lửa
383 Quyển 8 - Chương 48: Bóng ma trong bức họa cổ
384 Quyển 8 - Chương 49: Thắp nến đi đêm
385 Quyển 8 - Chương 50: Linh tinh môn
386 Quyển 8 - Chương 51: Bia cáo tế
387 Quyển 8 - Chương 52: Một phần vạn
388 Quyển 8 - Chương 53: Thừng trói tiên
389 Quyển 8 - Chương 54: Hỏa thiêu
390 Quyển 8 - Chương 55: Quái vật
391 Quyển 8 - Chương 56: Kiếp nạn khó thoát
392 Quyển 8 - Chương 57: Lời tiên tri
393 Quyển 8 - Chương 58: Ngọn núi lớn di động
394 Quyển 8 - Chương 59: Hiện tượng siêu nhiên
395 Quyển 8 - Chương 60: Quan tài treo
396 Quyển 8 - Chương 61: Long thị
397 Quyển 8 - Chương 62: Thiên nộ
398 Quyển 8 - Chương 63: Người bạn thầm lặng
399 Quyển 8 - Chương 64: Cửu tử hoàn hồn thảo
400 Quyển 8 - Chương 65: Kim điểm
401 Quyển 8 - Chương 66: Mũ ma
402 Quyển 8 - Chương 67: Sổ ghi chép
403 Quyển 8 - Chương 68: Rửa tay chậu vàng
404 Quyển 8 - Chương 69: Vật cực tất phản
405 Quyển 8 - Chương 70: Kỷ nguyên (Hết)
Chapter

Updated 405 Episodes

1
Quyển 1 - Chương 1: Ả người giấy và anh bạn chuột
2
Quyển 1 - Chương 2: “Thập lục tự âm dương phong thuỷ bí thuật”
3
Quyển 1 - Chương 3: Ngôi mộ trong núi
4
Quyển 1 - Chương 4: Dòng Côn Luân không băng
5
Quyển 1 - Chương 5: Bọ lửa
6
Quyển 1 - Chương 6: Lầu ma chín tầng
7
Quyển 1 - Chương 7: Kỳ nhông chúa
8
Quyển 1 - Chương 8: Động đất
9
Quyển 1 - Chương 9: Cuộc trùng phùng
10
Quyển 1 - Chương 10: Răng vàng
11
Quyển 1 - Chương 11: Hắc phong khẩu – Dã nhân câu
12
Quyển 1 - Chương 12: Bổng nguyệt câu
13
Quyển 1 - Chương 13: Ma thổi đèn
14
Quyển 1 - Chương 14: Xích hống
15
Quyển 1 - Chương 15: Căn cứ bí mật ngầm của quân Quan Đông
16
Quyển 1 - Chương 16: Mật thất
17
Quyển 1 - Chương 17: Lười đất thảo nguyên
18
Quyển 1 - Chương 18: Nga thân li văn song ly bích
19
Quyển 1 - Chương 19: Đoàn khảo cổ
20
Quyển 1 - Chương 20: Huyệt ma trong biển cát
21
Quyển 1 - Chương 21: Thành cổ Tây Dạ
22
Quyển 1 - Chương 22: Sa mạc đen
23
Quyển 1 - Chương 23: Hẻm núi Zhaklama
24
Quyển 1 - Chương 24: Tháp đen
25
Quyển 1 - Chương 25: Đèn thần cột đá
26
Quyển 1 - Chương 26: Đường hầm bí mật
27
Quyển 1 - Chương 27: Kho báu
28
Quyển 1 - Chương 28: Hoa thơm xác
29
Quyển 1 - Chương 29: Thạch thất
30
Quyển 1 - Chương 30: Lời sấm truyền cổ xưa
31
Quyển 1 - Chương 31: Thật và giả
32
Quyển 1 - Chương 32: Trúng tà
33
Quyển 1 - Chương 33: Đào thoát
34
Quyển 2 - Chương 1: Chiếc hài thơm
35
Quyển 2 - Chương 2: Vượt sông
36
Quyển 2 - Chương 3: Truyền thuyết
37
Quyển 2 - Chương 4: Lên kế hoạch
38
Quyển 2 - Chương 5: Dốc bàn Xà
39
Quyển 2 - Chương 6: Ngư Cốt miếu
40
Quyển 2 - Chương 7: Đường hầm trộm mộ
41
Quyển 2 - Chương 8: Minh điện
42
Quyển 2 - Chương 9: Nội tàng oan
43
Quyển 2 - Chương 10: Khuôn mặt
44
Quyển 2 - Chương 11: Vết mẻ hình trăng khuyết
45
Quyển 2 - Chương 12: Hồn mộ
46
Quyển 2 - Chương 13: Bậc thang huyền hồn
47
Quyển 2 - Chương 14: Mất tích
48
Quyển 2 - Chương 15: Nhện chàm đen mặt người
49
Quyển 2 - Chương 16: Điện thần dưới lòng đất
50
Quyển 2 - Chương 17-18: Ngọc Văn Hương - Long cốt
51
Quyển 2 - Chương 19: Văn tự mật
52
Quyển 2 - Chương 20: Hồi tưởng
53
Quyển 2 - Chương 21: Ban sơn đạo nhân
54
Quyển 2 - Chương 22: Mèo hoang
55
Quyển 2 - Chương 23: Hắc thủy thành
56
Quyển 2 - Chương 24: Linh mục
57
Quyển 2 - Chương 25: Thông thiên đại phật tự
58
Quyển 2 - Chương 26: Xương trắng
59
Quyển 2 - Chương 27: Tượng phật đen
60
Quyển 2 - Chương 28: Trùng ngọc
61
Quyển 2 - Chương 29: Khói ma
62
Quyển 2 - Chương 30: Quyết định
63
Quyển 2 - Chương 31: Thạch bí điếm
64
Quyển 2 - Chương 32: Quẻ bói của lão mù
65
Quyển 2 - Chương 33: Đầm nước
66
Quyển 2 - Chương 34: Chiếc chum kỳ lạ
67
Quyển 2 - Chương 35: Manh mối
68
Quyển 2 - Chương 36: Mộ Hiến Vương
69
Quyển 3 - Chương 1: Tai nạn giao thông
70
Quyển 3 - Chương 2: Quán trọ thái vân
71
Quyển 3 - Chương 3: Chiến dịch hồ điệp
72
Quyển 3 - Chương 4: Treo ngược
73
Quyển 3 - Chương 5: Nước sâu mười ba mét
74
Quyển 3 - Chương 6: Lưỡi dao
75
Quyển 3 - Chương 7: Băng núi vượt sông
76
Quyển 3 - Chương 8: Rừng rậm
77
Quyển 3 - Chương 9: Tín hiệu ma
78
Quyển 3 - Chương 10: Máy đánh chữ
79
Quyển 3 - Chương 11: Lệnh tìm kiếm
80
Quyển 3 - Chương 12: Máu đỏ
81
Quyển 3 - Chương 13: Thăng quan phát tài
82
Quyển 3 - Chương 14: Bủa vây tuyệt đối
83
Quyển 3 - Chương 15: Trấn lăng phả
84
Quyển 3 - Chương 16: Trước miệng cốc
85
Quyển 3 - Chương 17: Khu vực cấm
86
Quyển 3 - Chương 18: Chín khúc vóng quanh chầu về núi
87
Quyển 3 - Chương 19: Khu rừng hóa thạch
88
Quyển 3 - Chương 20: Cái xác chết trôi
89
Quyển 3 - Chương 21: Hang khác đáy
90
Quyển 3 - Chương 22: Bí mật về sơn thần
91
Quyển 3 - Chương 23: Đống thây
92
Quyển 3 - Chương 24: Giáp ma vẳy rồng
93
Quyển 3 - Chương 25: Hộp pandora
94
Quyển 3 - Chương 26: Bào thai động đậy
95
Quyển 3 - Chương 27: Gậy long hổ
96
Quyển 3 - Chương 28: Một chia ba
97
Quyển 3 - Chương 29: Quỷ thai
98
Quyển 3 - Chương 30: Quỷ khốc thần sầu
99
Quyển 3 - Chương 31: Tách vỏ chui ra
100
Quyển 3 - Chương 32: Cung điện trên trời
101
Quyển 3 - Chương 33: Nước biếc bí hiểm
102
Quyển 3 - Chương 34: Xoáy nước đen
103
Quyển 3 - Chương 35: Cung lăng vân, điện hội tiên
104
Quyển 3 - Chương 36: Hậu điện
105
Quyển 3 - Chương 37: Lửa nung
106
Quyển 3 - Chương 38: Cửa sổ nhà trời
107
Quyển 3 - Chương 39: Cái lưỡi
108
Quyển 3 - Chương 40: Thủy nhi
109
Quyển 3 - Chương 41: Gõ hỏi cửa trời
110
Quyển 3 - Chương 42: Ba vị quốc vương
111
Quyển 3 - Chương 43: Nến trường sinh
112
Quyển 3 - Chương 44: Thạch tinh
113
Quyển 3 - Chương 45: Đoạt hồn
114
Quyển 3 - Chương 46: Cẳnh ngắm hồ
115
Quyển 3 - Chương 47: Cái xác thứ mười
116
Quyển 3 - Chương 48: Chặt đầu
117
Quyển 3 - Chương 49: Nhiễm độc lan nhanh
118
Quyển 3 - Chương 50: Oan gia ngõ hẹp
119
Quyển 3 - Chương 51: Con số bí ẩn
120
Quyển 3 - Chương 52: Ông già khang-ba
121
Quyển 3 - Chương 53: Quỷ mẫu kích bát đồ
122
Quyển 3 - Chương 54: Đêm trăng tìm sói
123
Quyển 3 - Chương 55: Chiếc ka u của cơ ma
124
Quyển 3 - Chương 56: Tinh địa không hành
125
Quyển 4 - Chương 1: Kẻ sưu tầm cái chết
126
Quyển 4 - Chương 2: Xác thủy tinh ở sông băng
127
Quyển 4 - Chương 3: Ấn phát khâu
128
Quyển 4 - Chương 4: Lợi thiệp đại xuyên
129
Quyển 4 - Chương 5: Mắt bạc cổ cánh
130
Quyển 4 - Chương 6: Hồ tiên nữ
131
Quyển 4 - Chương 7: Hang phật luân hồi
132
Quyển 4 - Chương 8: Rình rập ban đêm
133
Quyển 4 - Chương 9: Kế hoạch b
134
Quyển 4 - Chương 10: Đôi mắt bẳn năng
135
Quyển 4 - Chương 11: Tiến vào kelamer
136
Quyển 4 - Chương 12: Hoảng hốt
137
Quyển 4 - Chương 13: Xác ướp kim thân Tuyết sơn
138
Quyển 4 - Chương 14: Nô lệ yêu nghiệt
139
Quyển 4 - Chương 15: Lời nguyền linh cái
140
Quyển 4 - Chương 16: Đánh phủ đầu
141
Quyển 4 - Chương 17: Nãi cùng thần băng
142
Quyển 4 - Chương 18: Huyết nhĩ hoa đỏ
143
Quyển 4 - Chương 19: Rùa thoát xác
144
Quyển 4 - Chương 20: Ngư trận
145
Quyển 4 - Chương 21: Chúa của hồ nước
146
Quyển 4 - Chương 22: Đầu bó
147
Quyển 4 - Chương 23: Tuyến x
148
Quyển 4 - Chương 24: Thành ác la hẳi đích thực
149
Quyển 4 - Chương 25: Thất lạc
150
Quyển 4 - Chương 26: Tôm cầu
151
Quyển 4 - Chương 27: Núi kích lôi
152
Quyển 4 - Chương 28: Địa đạo trắng
153
Quyển 4 - Chương 29: Gông cùm đen
154
Quyển 4 - Chương 30: Người có thể hy sinh
155
Quyển 4 - Chương 31: Đồng hồ tử vong đếm ngược
156
Quyển 4 - Chương 32: Lá thăm sinh tử
157
Quyển 4 - Chương 33: Vật hiến tế
158
Quyển 4 - Chương 34: Kẻ địch tàng hình
159
Quyển 4 - Chương 35: Huyết tế
160
Quyển 4 - Chương 36: Hướng tây bắc chếch bắc
161
Quyển 4 - Chương 37: Hang rắn
162
Quyển 4 - Chương 38: Thiên nhãn
163
Quyển 4 - Chương 39: Linh hồn khắc trên đá
164
Quyển 4 - Chương 40: Chết vì đôi mắt
165
Quyển 4 - Chương 41: Ban nhạc bremen
166
Quyển 4 - Chương 42: Hoàn thành tâm nguyện
167
Quyển 4 - Chương 43: Tiền thù lao
168
Quyển 4 - Chương 44: Con đường chung, nhiệm vụ chung
169
Quyển 4 - Chương 45: Rửa tay gác kiếm
170
Quyển 5 - Chương 1: Mùa đông đói kém
171
Quyển 5 - Chương 2: Mộ hoàng bì tử
172
Quyển 5 - Chương 3: Bẫy đêm
173
Quyển 5 - Chương 4: Truyền thuyết gấu
174
Quyển 5 - Chương 5: Cắt tay móc mật
175
Quyển 5 - Chương 6: Quỷ nha môn
176
Quyển 5 - Chương 7: Lão điếu gia
177
Quyển 5 - Chương 8: Thòng lọng
178
Quyển 5 - Chương 9: Cắt gạch mộ
179
Quyển 5 - Chương 10: Lá thư đến từ thảo nguyên
180
Quyển 5 - Chương 11: Khu vực cấm
181
Quyển 5 - Chương 12: Khắc Luân Tả Kỳ dưới bầu trời đêm
182
Quyển 5 - Chương 13: Ruồi trâu
183
Quyển 5 - Chương 14: Mất tích
184
Quyển 5 - Chương 15: Con du diên
185
Quyển 5 - Chương 16: Canh cá
186
Quyển 5 - Chương 17: Động bách nhãn
187
Quyển 5 - Chương 18: Tranh khắc rồng
188
Quyển 5 - Chương 19: Dẫn hồn kê
189
Quyển 5 - Chương 20: Quái lâu
190
Quyển 5 - Chương 21: Hung thiết
191
Quyển 5 - Chương 22: Ngọn đèn lẻ loi
192
Quyển 5 - Chương 23: Người thứ năm
193
Quyển 5 - Chương 24: Trăn vảy gấm
194
Quyển 5 - Chương 25: Âm hồn bất tán
195
Quyển 5 - Chương 26: Cương thi
196
Quyển 5 - Chương 27: Quy miên địa
197
Quyển 5 - Chương 28: Túi đồ kiểu Nga
198
Quyển 5 - Chương 29: Cốc tai Molotov
199
Quyển 5 - Chương 30: Tinh biến
200
Quyển 5 - Chương 31: Cái hang kinh hoàng
201
Quyển 5 - Chương 32: Thuật đọc tâm
202
Quyển 5 - Chương 33: Cổ vật nghìn năm
203
Quyển 5 - Chương 34: Phiên hiệu số “0”
204
Quyển 5 - Chương 35: Xác chết trong hầm đất
205
Quyển 5 - Chương 36: Phòng cấm
206
Quyển 5 - Chương 37: Mặt nạ
207
Quyển 5 - Chương 38: Chất chống thối rữa
208
Quyển 5 - Chương 39: Tủ cất giữ tiêu bản
209
Quyển 5 - Chương 40: Thủ cung sa
210
Quyển 5 - Chương 41: Lão Dương Bì, kẻ trộm mộ
211
Quyển 5 - Chương 42: Đường không lối về
212
Quyển 5 - Chương 43: Mộng
213
Quyển 5 - Chương 44: Con đường tăm tối
214
Quyển 5 - Chương 45: Điện diêm la
215
Quyển 5 - Chương 46: Giếng vàng
216
Quyển 5 - Chương 47: Thủy đảm
217
Quyển 5 - Chương 48: Thiệt lậu
218
Quyển 5 - Chương 49: Phần phong
219
Quyển 5 - Chương 50: Huyệt sâu tám thước
220
Quyển 5 - Chương 51: Sấm sét
221
Quyển 5 - Chương 52: Sinh ly tử biệt
222
Quyển 5 - Chương 53: Trùm trộm mộ phái Xả Lĩnh
223
Quyển 5 - Chương 54: Yêu hóa long
224
Quyển 6 - Chương 1: Tổ sư trộm mộ
225
Quyển 6 - Chương 2: Tần Vương Chiếu Cốt kính
226
Quyển 6 - Chương 3: Long hỏa
227
Quyển 6 - Chương 4: Cá nuốt thuyền
228
Quyển 6 - Chương 5: Ban sơn trấn hải
229
Quyển 6 - Chương 6: Thanh đầu
230
Quyển 6 - Chương 7: Cổ ngọc dưới biển
231
Quyển 6 - Chương 8: Tàu chĩa ba
232
Quyển 6 - Chương 9: Cấm kỵ khi đi biển
233
Quyển 6 - Chương 10: Bóng ma
234
Quyển 6 - Chương 11: Con tàu ma
235
Quyển 6 - Chương 12: Họa ập xuống đầu
236
Quyển 6 - Chương 13: Thủy thần pháo Kumbhira
237
Quyển 6 - Chương 14: Long thượng thủy
238
Quyển 6 - Chương 15: Quan tài nổi
239
Quyển 6 - Chương 16: Khoang đáy
240
Quyển 6 - Chương 17: Thủy triều
241
Quyển 6 - Chương 18: Xuống biển dò Nam Long
242
Quyển 6 - Chương 19: Ốc ngậm ngọc
243
Quyển 6 - Chương 20: Dưa trôi dụ cá
244
Quyển 6 - Chương 21: Quái vật biển
245
Quyển 6 - Chương 22: Xà cừ
246
Quyển 6 - Chương 23: Khinh núi chớ khinh biển
247
Quyển 6 - Chương 24: Không lối ra
248
Quyển 6 - Chương 25: Cú nhảy kinh hoàng
249
Quyển 6 - Chương 26: Quy khư
250
Quyển 6 - Chương 27: Vực dưới biển - Bụng cá voi
251
Quyển 6 - Chương 28: Rồng
252
Quyển 6 - Chương 29: Nghĩa địa tàu đắm
253
Quyển 6 - Chương 30: Ma
254
Quyển 6 - Chương 31: Đàn cá mập
255
Quyển 6 - Chương 32: Hộp báu
256
Quyển 6 - Chương 33: Mực khổng lồ
257
Quyển 6 - Chương 34: Nước sâu lửa nóng
258
Quyển 6 - Chương 35: Mãnh quỷ sổ lồng
259
Quyển 6 - Chương 36: Nước tù không có rồng
260
Quyển 6 - Chương 37: Hải hòa thượng
261
Quyển 6 - Chương 38: Điện đồng
262
Quyển 6 - Chương 39: Xạ nhật
263
Quyển 6 - Chương 40: Có gân mà chẳng có xương
264
Quyển 6 - Chương 41: Xác mồi
265
Quyển 6 - Chương 42: Định hải thần châm
266
Quyển 6 - Chương 43: Bôn nguyệt
267
Quyển 6 - Chương 44: Cương nhân Nam Hải
268
Quyển 6 - Chương 45: Thực thiên
269
Quyển 6 - Chương 46: Đỉnh cổ
270
Quyển 6 - Chương 47: Chấn kinh bách lý
271
Quyển 6 - Chương 48: Long huyệt
272
Quyển 6 - Chương 49: Châu mẫu hải
273
Quyển 6 - Chương 50: Giết trai lấy ngọc
274
Quyển 6 - Chương 51: Vầng trăng ma quỷ
275
Quyển 6 - Chương 52: Giao lão
276
Quyển 6 - Chương 53: Tuyệt cảnh
277
Quyển 6 - Chương 54: Quá long binh
278
Quyển 6 - Chương 55: Người Hà Lan bay
279
Quyển 6 - Chương 56: Cứu mạng
280
Quyển 7 - Chương 1: Lưu Ly xưởng
281
Quyển 7 - Chương 2: Na tra bát tý
282
Quyển 7 - Chương 3: Câu chuyện đào mộ
283
Quyển 7 - Chương 4: Nghĩa trang lão hùng
284
Quyển 7 - Chương 5: Hao tử nhị cô
285
Quyển 7 - Chương 6: Thuật tống xác
286
Quyển 7 - Chương 7: Cắn tai
287
Quyển 7 - Chương 8: Rửa ruột
288
Quyển 7 - Chương 9: Bia báo cổ
289
Quyển 7 - Chương 10: Thám bình sơn
290
Quyển 7 - Chương 11: Tiểu đoàn công binh
291
Quyển 7 - Chương 12: Đất dời thây
292
Quyển 7 - Chương 13: Tan chảy
293
Quyển 7 - Chương 14: Cưỡi mây đạp gió
294
Quyển 7 - Chương 15: Con rết sáu cánh
295
Quyển 7 - Chương 16: Trùng môn chống trộm
296
Quyển 7 - Chương 17: Ủng thành
297
Quyển 7 - Chương 18: Nỏ thần tí sàng tử
298
Quyển 7 - Chương 19: Cạm bẫy liên hoàn vô hạn vĩnh cửu
299
Quyển 7 - Chương 20: Thoát chết trong gang tấc
300
Quyển 7 - Chương 21: Bản kim phong
301
Quyển 7 - Chương 22: Chó không quá tám năm, gà không qua sáu tuổi
302
Quyển 7 - Chương 23: Tài kê lệnh
303
Quyển 7 - Chương 24: Sơn âm
304
Quyển 7 - Chương 25: Phân sơn quật tử giáp
305
Quyển 7 - Chương 26: Huyệt lăng
306
Quyển 7 - Chương 27: Đấu cung
307
Quyển 7 - Chương 28: Cường địch
308
Quyển 7 - Chương 29: Giả chết
309
Quyển 7 - Chương 30: Lò luyện đơn
310
Quyển 7 - Chương 31: Tiên cảnh điêu tàn
311
Quyển 7 - Chương 32: Vân Tàng bảo điện
312
Quyển 7 - Chương 33: Sương ẩn hành lang
313
Quyển 7 - Chương 34: Quan sơn thái bảo
314
Quyển 7 - Chương 35: Núi có tam hương
315
Quyển 7 - Chương 36: Núi cao rung chuyển
316
Quyển 7 - Chương 37: Trong màn đêm
317
Quyển 7 - Chương 38: Vượn trắng
318
Quyển 7 - Chương 39: Khều xác
319
Quyển 7 - Chương 40: Hắc tì bà
320
Quyển 7 - Chương 41: Thi vương Tương Tây
321
Quyển 7 - Chương 42: Hổ xa
322
Quyển 7 - Chương 43: Càn khôn lộn ngược
323
Quyển 7 - Chương 44: Hút hồn
324
Quyển 7 - Chương 45: Khôi Tinh Thích Đẩu
325
Quyển 7 - Chương 46: Bác long trận
326
Quyển 7 - Chương 47: Bác Long trận
327
Quyển 7 - Chương 48: Điểm danh trạng
328
Quyển 7 - Chương 49: Giang hồ
329
Quyển 7 - Chương 50: Thầy phong thủy
330
Quyển 7 - Chương 51: Bảo tàng tự nhiên
331
Quyển 7 - Chương 52: Đêm khuya tĩnh lặng
332
Quyển 7 - Chương 53: Cầu huyền trong phủ
333
Quyển 7 - Chương 54: Cuốn nhật ký thất lạc
334
Quyển 7 - Chương 55: Dối trên gạt dưới
335
Quyển 7 - Chương 56: Tới thăm chuyên gia giải mê văn ám thị
336
Quyển 8 - Chương 1: Mộ cổ thôn Địa Thiên
337
Quyển 8 - Chương 2: Kẻ chạy trốn
338
Quyển 8 - Chương 3: Mây che mù mịt biết là đi đâu
339
Quyển 8 - Chương 4: Bí mật trong chấn nhỏ
340
Quyển 8 - Chương 5: Cái hộp đen
341
Quyển 8 - Chương 6: Đường năm thước
342
Quyển 8 - Chương 7: Khu vực bị xóa khỏi bản đồ
343
Quyển 8 - Chương 8: Hầm phòng không Thanh Kê
344
Quyển 8 - Chương 9: Còi báo động máy bay tập kích
345
Quyển 8 - Chương 10: Hẻm núi quan tài
346
Quyển 8 - Chương 11: Lò mổ trong núi Su
347
Quyển 8 - Chương 12: Đại vương không đầu
348
Quyển 8 - Chương 13: Người chết......thân phận bất minh
349
Quyển 8 - Chương 14: Thiên hiểm vô hình
350
Quyển 8 - Chương 15: Cầu hách hồn
351
Quyển 8 - Chương 16: Kim giáp mao tiên
352
Quyển 8 - Chương 17: Chưởng thiên ma lôi
353
Quyển 8 - Chương 18: Xác chết không thối rữa
354
Quyển 8 - Chương 19: Quan tài ẩn sĩ
355
Quyển 8 - Chương 20: Khỉ ba sơn
356
Quyển 8 - Chương 21: Lời nhắn viết trên vỏ bao thuốc lá
357
Quyển 8 - Chương 22: Khóa cửa cung ly hổ
358
Quyển 8 - Chương 23: Thần bút
359
Quyển 8 - Chương 24: Trong đất có núi
360
Quyển 8 - Chương 25: Vẽ cửa
361
Quyển 8 - Chương 26: Thập bát loạn táng
362
Quyển 8 - Chương 27: Thi trùng
363
Quyển 8 - Chương 28: Ác ma
364
Quyển 8 - Chương 29: Quỷ mị
365
Quyển 8 - Chương 30: Đỗ tiên (20)
366
Quyển 8 - Chương 31: Xác không hồn
367
Quyển 8 - Chương 32: Không vong
368
Quyển 8 - Chương 33: Vũ hầu tàng binh đồ
369
Quyển 8 - Chương 34: Yêu thuật
370
Quyển 8 - Chương 35: Khó tin
371
Quyển 8 - Chương 36: Bài ca nướng bánh
372
Quyển 8 - Chương 37: Quan sơn cốt đồ
373
Quyển 8 - Chương 38: Cửu tử kinh lăng giáp
374
Quyển 8 - Chương 39: Cái chết không hẹn mà đến
375
Quyển 8 - Chương 40: Thiên địa vô môn
376
Quyển 8 - Chương 41: Miếu pháo thần
377
Quyển 8 - Chương 42: Lối thoát khẩn cấp
378
Quyển 8 - Chương 43: Điềm xấu
379
Quyển 8 - Chương 44: Quan sơn tướng trạch đồ
380
Quyển 8 - Chương 45: Kỳ ngộ
381
Quyển 8 - Chương 46: Bàn cổ thần mạch
382
Quyển 8 - Chương 47: Kỵ lửa
383
Quyển 8 - Chương 48: Bóng ma trong bức họa cổ
384
Quyển 8 - Chương 49: Thắp nến đi đêm
385
Quyển 8 - Chương 50: Linh tinh môn
386
Quyển 8 - Chương 51: Bia cáo tế
387
Quyển 8 - Chương 52: Một phần vạn
388
Quyển 8 - Chương 53: Thừng trói tiên
389
Quyển 8 - Chương 54: Hỏa thiêu
390
Quyển 8 - Chương 55: Quái vật
391
Quyển 8 - Chương 56: Kiếp nạn khó thoát
392
Quyển 8 - Chương 57: Lời tiên tri
393
Quyển 8 - Chương 58: Ngọn núi lớn di động
394
Quyển 8 - Chương 59: Hiện tượng siêu nhiên
395
Quyển 8 - Chương 60: Quan tài treo
396
Quyển 8 - Chương 61: Long thị
397
Quyển 8 - Chương 62: Thiên nộ
398
Quyển 8 - Chương 63: Người bạn thầm lặng
399
Quyển 8 - Chương 64: Cửu tử hoàn hồn thảo
400
Quyển 8 - Chương 65: Kim điểm
401
Quyển 8 - Chương 66: Mũ ma
402
Quyển 8 - Chương 67: Sổ ghi chép
403
Quyển 8 - Chương 68: Rửa tay chậu vàng
404
Quyển 8 - Chương 69: Vật cực tất phản
405
Quyển 8 - Chương 70: Kỷ nguyên (Hết)