Chương 72: Thanh y hiện thân

Thì ra Tra Phong đã nhìn thấy thi thể của thầy mình Lỗ Yểu Nương, đang nằm trên mặt cát, mớ tóc trắng tung bay tua tủa từng hồi theo làn gió, khăn che mặt rớt một phía, cây thủ trượng cũng nằm một nơi... Tra Phong và cùng với người em đã chết là Tra Lôi, tuy biết thầy mình xưa kia từng dùng thuật thám bổ trú nhan (tìm chất bổ để giữ dung nhan), nên khiến cho vẻ mặt không bao giờ bị già nua đi được, nhưng hai anh em họ Tra lại chưa bao giờ được thấy mặt thật của thầy lần nào! Mãi nay, thầy đã chết, Tra Phong mới hân hạnh được thấy dung mạo lộng lẫy của sư tôn, không ngờ lại có vẻ đẹp nghiêng trời ngửa nước ấy. Lập tức, hai hàng lệ tuôn như mưa, miệng lảm nhảm than vãn kể lể:

- Ôi thầy ơi!... Hơn bốn mươi năm trời nay, ai đâu dám to gan mà tước đoạt chiếc khăn che mặt thiêng liêng của thầy để xem dung nhan đâu, thế mà nay thằng oách con này đã giết thầy mà còn ngang nhiên xem trộm dung nhan của thầy, nó đã phạm luật đại kỵ của thầy trò chúng ta, Tra Phong này còn sống ngày nào, quyết không đời nào dung tha tội cho nó được... Ân sư ơi! Ân sư!... Tất cả đều bị thằng tiểu quỉ này, nếu không vì chuyện giết hết toàn gia nhà nó, thầy trò chúng mình đâu đến nỗi bị Tỉ Vương thao túng để mất hết tự do, mà sau khi thảm họa xảy ra, ngài đã lập lòng từ bi hối hận về hành động của mình, nhất là sau dùng Phủ Chưởng Hàn đánh thằng nhãi này, từ đó tâm tư ngài càng đâm ra bất an. Nào ngờ hôm nay, ngài đã phải thiệt mạng vào chính tay của con cá độc đã thoát lưới này, không bị chết về nội thương đau đớn, mà còn bị nó ngang nhiên tước khăn che mặt làm nhục như thế... ôi!... ân sư ơi! ân sư! Nếu anh linh của ngài còn lảng vảng đâu đây, xin hãy mau mau về phù hộ cho đệ tử, nhân lúc thằng nhãi đang mê mẩn xem thư của ngài, để đệ tử ra tay giết ngay nó hòng trả mối thâm thù đại hận cho ngài...

Tra Phong lúc này mặt lộ hung quang, lập tức rút ngay ngọn dao găm hình lá mía bên người nhẹ chân bước ngay lại phía sau lưng Thượng Quan Linh, thình lình hắn vung hết bình sinh của mình thẳng tay đâm phập ngay xuống...

Nào hay chỗ bị đâm ấy lại mềm nhũn như bông gòn, Thượng Quan Linh không hề bị thương tích gì, Tra Phong chỉ còn nước kinh hoảng kêu thầm trong bụng: Ối trời đất quỉ thần ơi! Ngã đùng ngay ra mặt đất, lăn nhanh ngay lại bên cạnh xác thầy để nhắm mắt chờ chết!...

Quái lạ! Thượng Quan Linh hình như không hề cảm thấy có gì xảy ra, với cái đâm thình lình của Tra Phong như thế, hình như không kinh động đến chàng ta chút nào cả, thậm chí Tra Phong nằm kế sát ngay đó hồi hộp thở mà Thượng Quan Linh vẫn không hay biết.

Chỉ thấy chàng ta đang chăm chú xem thư, sắc thái trên mặt luôn luôn thay đổi, có hồi vui vẻ, lúc lại bi ai, khi thì nắm tay đấm thật chắc nịch, khi lại thở dài não nề, lúc lại nước mắt tuôn sa dầm dề...

Tra Phong ngạc nhiên lạ lùng, nghĩ thầm: Sao chuyện lạ... thế kìa, không lý đây là một kế hoạch thành công của ân sư trước khi chết đã để lại? Nên phong thư này đã có oai lực khiến cho thằng nhãi này bị điên rồ mất trí khôn, nên mới khóc cười thất thường như thế....

Nay đã đâm hắn không chết, Tra Phong đành mạnh dạn đứng ngay dậy, nhẹ nhàng lượm ngay chiếc khăn che lại dung nhan cho thầy, nhặt luôn cây trượng, rồi cõng ngay xác thầy lên lưng. Tất những hành động như vậy mà Thượng Quan Linh vẫn không hay, Tra Phong dùng ngay cây trượng viết ngay chữ trên mặt cát, xong xuôi cười nhạt vài tiếng, ung dung bỏ đi!

Không biết là bao lâu, nhưng lúc này Thượng Quan Linh đã coi xong bức thơ dài, trong lòng xúc động vô cùng! Lên tiếng gọi inh lên:

- Tiền bối! Tiền bối!

Nhưng chỉ thấy toàn cảnh cát hoang vu, thi hài lão bà bịt mặt Lỗ Yểu Nương không biết đã biến đâu mất.

Sau khi hiểu rõ các ẩn khúc trong thư, Thượng Quan Linh nhận thấy đáng tha thứ cho Lỗ Yểu Nương lắm, và càng không thể nào để người ta chết về tay mình được, nhưng quái lạ, vừa rồi rõ ràng còn nằm đây, chớp mắt đã không thấy!? Thượng Quan Linh đứng dậy để quan sát, trên bãi cát, có chữ nguệch ngoạc để lại.

Sát hạ ân sư, tước khăn che mặt, trộm nhìn dung nhan, mối đại thù này thế nào cũng báo, mong ngươi hãy chờ đợi... Tra Phong lưu tự...

Thượng Quan Linh khóc sướt mướt, không phải chàng sợ Tra Phong sau này trả thù, mà vì Lỗ Yểu Nương đã chết, chàng ăn năn bi thảm về hành động lỗ mãng của mình. Chàng tự lẩm bẩm: Thượng Quan Linh ơi! Thượng Quan Linh! Hãy mau mau trấn tĩnh lại tinh thần đi dự cho kịp cuộc hội Bách Linh Miếu, nếu không, e sẽ phụ lòng người đã khuất mà còn thẹn lòng với người còn đang sống...

Nghĩ xong, vội hấp tấp nhặt ngay chiếc mặt nạ của Bắc Ưng Lãnh Lạc đeo ngay, dắt cẩn thận lại ngọn ưng trảo liêm, bước nhanh về lều, đã có người vội lo ngay ngựa, chuẩn bị sẵn lương khô và nước uống. Thượng Quan Linh nhảy lên yên ngựa đi ngay, đám người không dám thở mạnh, vì họ biết Hắc y sứ giả sau khi nổi giận, ba thầy trò của lão bà bịt mặt, một người bị giết, hai người mất tích, đâu có ai dám ho he ngo ngoe gì để rước họa vào thân.

Trong lúc ấy, suốt dọc đường đưa tới Bách Linh Miếu, vị Hắc y sứ giả giả hiệu này đã được các thủ hạ tiếp đón cung kính và thận trọng, từ chỗ ăn chỗ ở cho đến việc đổi tuấn mã, đều chu đáo hết chỗ chê? Lẽ đương nhiên Thượng Quan Linh càng phải tận dùng oai quyền hống hách của Hắc y sứ giả để cho mọi người khỏi ngờ vực, nên suốt dọc đường đều thuận tiện, và nhờ sự đổi ngựa liên miên, thời gian và lộ trình càng được rút ngắn một cách mau chóng!

Ngày mùng bảy Tết, Thượng Quan Linh đã đặt gót đến đại thành của miền Mạc Bắc là Bách Linh Miếu. Chuyến này chàng bắt đầu tinh quái hơn, sợ mình xuất hiện với vai Hắc y sứ giả lúc này chưa tiện, có khi còn gây thêm khó khăn là khác, trước khi vào thành, chàng đã mua ngay một áo da mặc ngoài, lại dùng khăn đen choàng lên đầu, đóng bộ thành một người dân bản xứ, một chiếc khăn đen ngay sống mũi trở xuống, rồi ngang nhiên tiến bước vào thành.

Chỉ thấy thành của miền Mạc Bắc đây, lúc này náo nhiệt vô cùng, phố xá nhộn nhịp, người chen vai nhau đi, có đủ loại người, Hán, Mông, Tạng, Hồi, thậm chí có cả người mũi lõ Tây phương. Thượng Quan Linh rất cẩn thận về hành động của mình, thình lình thấy khách đi đường bỗng chen nhau rối loạn về hai bên đường. Quay đầu nhìn lại, chàng mừng thầm trong bụng, chỉ thấy bốn tên đại hán đang khiêng một chiếc kiệu lớn đi như bay lại, phía sau và phía trước của kiệu lớn ấy, có cả thảy sáu thiếu niên cưỡi ngựa đi kèm. Nhìn người ngồi trên kiệu, ăn mặc theo lối văn nhân, tuổi ước ngũ tuần, để râu đen, nước da ngăm ngăm, ánh mắt oai nghiêm, nhưng lại đượm vẻ rầu buồn không vui. Thượng Quan Linh từng nghe Liễu Mi kể, trong cuộc hội tại Nhữ Nam trước kia, từng có nhân vật này tham gia, và người này chính phái Điểm Thương ở Vân Nam, tức Hận thư sinh Hoàng Kha đây! Đang lúc Thượng Quan Linh không biết đi đâu để tìm tung tích của họ, nay bỗng gặp Hoàng Kha tại đây, và người này lại có quan hệ với Tỉ Vương, vậy đúng là một nhân vật hướng dẫn chỉ đường cho mình.

Nghĩ vậy, Thượng Quan Linh đành rảo bước theo bén gót đoàn kiệu của Hoàng Kha, chả mấy chốc, một ngôi miếu tự nguy nga đã sừng sững trước mắt. Chỉ thấy người chưởng môn của Điểm Thương Phái Hận thư sinh Hoàng Kha vội hấp tấp xuống ngay kiệu vào trong; từ đằng xa có thể thấy rõ cửa miếu nguy nga đồ sộ, có người canh giữ, Thượng Quan Linh không dám đi thẳng bằng cửa trước, chàng bèn quay ngay sang phía sau miếu, phi thân vọt ngay bức tường cao, lẻn vào trong. Chỉ thấy miếu tự đây trang trí huy hoàng tráng lệ, kẻ tăng người tục tấp nập, những ai nấy đều im lặng di động, sự ăn mặc của Thượng Quan Linh lúc này, không khác nào những kẻ tục gia đang đi ấy.

Chàng bạo gan chen bừa ngay vào đám đông, vì chàng muốn tìm Hận Thư Sinh, nhưng người này đã biến đâu mất. Chàng đi một cách vô mục đích để tìm; cũng vô tình chàng bước lại một ngôi lầu, nghe tiếng thì thầm từ dưới lầu vọng ra. Chàng lắng tai, bất giác mừng thầm trong lòng, thì ra cả đám bại loại gian manh giang hồ đã có mặt tề tựu tại đây hết. Chàng vội nấp vào một nơi tối, chăm chú nhìn xuống dưới đại sảnh, thấy một đám người đang ngồi quay quần chung một bàn ăn uống vui vẻ với nhau!

Trong số người ấy nổi bật nhất là thân hình hộ pháp, và với bộ mặt ngựa đen thui như cột nhà cháy của Tả Pháp Thụ, bên cạnh là một hồng y mỹ nữ Liễu Văn, chị sinh đôi với Liễu Mi. Một phía khác sư bá Bắc kiếm Phổ Côn ngồi một mình phía sau có người già đứng hầu, Thượng Quan Linh nhận ra đó là Tư Đồ Cống. Còn Hoàng Kha thì ngồi rầu rĩ, chính là bản tính đặc biệt của y nên mới có biệt danh Hận Thư Sinh, đối chọi với Hận Thư Sinh là Độc Ma - chủ nhân của Phi Các ma cung trên Vô Ảnh Phong, chỉ thấy toàn thân Độc Ma mặc cẩm bào hào nhoáng mặt che khăn đen, nói năng hoạt bát vui vẻ bên cạnh Độc Ma cũng có một người bịt mặt, Thượng Quan Linh cho rằng rất có thể là Nhị đồ đệ của y - Đinh Hãm. Ngoài ra còn khá nhiều người phần đông đều là các nhân vật bắt mắt, y phục cổ quái, tiếng cười nói kinh dị, theo những lời trò chuyện của đám người kỳ lạ ấy, Thượng Quan Linh cũng biết rõ ngay họ là những nhân vật của: Kê Vĩ Bang, Thái Hành Lục Khấu, Dực Đông Biện Trang Hổ, cha con Lỗ bắc Náo hải thần Chung Thiên Thu.

Đám người này chia thành ra nhiều nhóm, cười nói huyên thiên, chỉ duy có Tả Pháp Thụ, Bắc Kiếm, Hoàn Kha, không mấy nói chuyện với nhau. Hoàng Kha vốn bản tính như vậy, nên mọi người không ai trách làm gì, Bắc Kiếm xưa nay tự cao ít nói, Tả Pháp Thụ là phiên tăng ngoại quốc, ngôn ngữ không tiện, cũng không đáng trách. Nhưng nàng tà dâm Liễu Văn lúc này tha hồ cười tình với bất cứ ai mà nàng cảm thấy hay hay, trong cả một ngôi đại sảnh, tiếng cười tiếng nói vang lên hỗn độn. Bỗng có một gã đàn ông hùng dũng đứng ngay lên dõng dạc nói rằng:

- Cũng thưa chư vị... không biết chư vị có ai thấy qua nhan sắc của Thiên Hậu Nương Nương năm nay chưa?

Sau câu hỏi của Dực Đông Biện Trang Hổ thoát ra khỏi miệng, mọi người phản ứng không giống nhau, có người cho Thiên Hậu Nương Nương xinh đẹp tuyệt sắc, có người lại mến tiếc. Bắc Kiếm ngồi lặng thinh không nói, Hận thư sinh Hoàng Kha thở dài. Chỉ có Tả Pháp Thụ và Liễu Văn, hình như không rõ về nội tình của câu chuyện này, nên họ cũng điềm nhiên không quan tâm lắm, nhưng nàng Liễu Văn muốn biết chuyện, và đã tuyển ngay đến vị Hận thư sinh Hoàng Kha làm đối tượng hỏi chuyện rằng:

- Kìa Hoàng lão gia! Ngài thở dài buồn gì vậy! Vậy chắc ngài đã được thấy cô bé ấy, nên tiếc chứ gì?

Hoàng Kha không nói gì nhưng bên cạnh có người lên tiếng!

- Lão Hoàng xưa nay đều vậy! Thở dài chính là ký hiệu đặc biệt của lão Hoàng, có gì phải lạ?

Lại có tiếng người khác rằng:

- Không đâu, Hoàng huynh quả đã mến tiếc thật đấy! Nếu không nói ra thì thôi, còn đem khai rõ lai lịch của cô bé ấy! E thế nào trong đám chúng mình đây có người phải đau khổ là khác!

Người này nói xong quay nhìn ngay vào mặt Liễu Văn...

Liễu Văn cảm thấy người nói câu này có dụng ý! Đôi mắt phụng ngước hẳn lên như muốn truy hỏi thêm, người kia cảm thấy mình đã lỡ vui miệng, lập tức quay nhanh sang phía khác để làm ngơ. Liễu Văn càng nghi, đoán không ra là lý do gì! Quay nhìn về phía Tả Pháp Thụ, thấy vị phiên tăng này hình như không vừa lòng với thái độ lẳng lơ của mình, sắc mặt hầm hầm vì ghen gió.

Trưởng nữ của Thanh Thông vốn là gái thông minh, làm gì chả hiểu ý ghen của tên phiên tăng, nhưng lúc này nàng cũng tỏ ra biết điều và ngồi yên phận, tạm gác câu chuyện nghi ngờ sang một bên. Kẻ phủ phục trên lầu là Thượng Quan Linh, lúc này chàng đang suy nghĩ đến một nghi vấn, rõ ràng câu nói của người kể về Thiên Hậu Nương Nương ấy muốn ám chỉ có liên hệ với Liễu Văn. Không lẽ tên Tỉ Vương ma quân lại chọn đến Liễu Văn để đảm nhiệm chức Thiên Hậu Nương Nương sao? Thượng Quan Linh cố suy nghĩ để tìm hiểu lời ám chỉ nọ, nhưng sự biến đổi đột ngột đã dập tắt ngay sự suy tư của chàng, vì có tiếng báo lớn lên rằng:

- Lam y sứ giả giá đáo...

Mọi tiếng ồn ào trong đại sảnh bỗng im bặt, sự im lặng có thể nghe rõ cả tiếng kim rớt dưới mặt đất là khác. Thượng Quan Linh cũng phải ngầm khen sức oai phong của Tứ đại sứ giả Hắc, Tử, Lục, Lam. Chính chàng cũng lo cẩn thận đề phòng, e mình thở mạnh mà tránh không khỏi những tai mắt vô cùng bén nhọn của những cao thủ trong đại sảnh! Chỉ thấy cửa sảnh mở, một người Lam y nghiễm nhiên bước vào, mọi người trong sảnh lập tức cung kính thi lễ! Chỉ riêng có tên phiên tăng Tả Pháp Thụ là kẻ không hề khom lưng, chỉ thấy đầu của phiên tăng khẽ gật. Thân hình của Tả Pháp Thụ và Bắc Kiếm đều suýt soát đồ sộ gần bằng nhau, đều thuộc vào hạng thân hình Hạc lập kê quần (thân chim hạc lọt vào đàn gà) nhưng tác phong của hai người lại đối chọi nhau hẳn, Bắc Kiếm thì cúi mình gần sát mặt đất, còn Tả Pháp Thụ chỉ khẽ gật đầu, sự trái ngược kịch liệt ấy đã gây sự kinh ngạc vô ngần cho mọi người. Thượng Quan Linh chăm chú quan sát vị Lam y sứ giả, trong quả oai nghiêm thật. Trong toàn sảnh đều là các tay ma đầu lừng danh lẫm liệt nay hết thảy đều tỏ vẻ vô cùng cung kính với Lam y sứ giả, nhưng sứ giả ngạo mạn khẽ gật gù, kể như đã đáp lễ mọi người!

Chỉ thấy người này khoác một áo choàng màu xanh, trùm hết toàn thân, thân hình cỡ trung bình, sắc mặt âm u lạnh lùng, tuổi ước ngoại ngũ tuần, quắc thước vô ngần, lúc này vừa đáp lễ vừa khách sáo rằng:

- Chư vị cứ việc tự tiện! Tự tiện!

Dứt lời đưa tay cởi ngay áo choàng, đã có người đến tiếp nhận mang đi treo. Lúc này Lam y sứ giả lại xuất hiện với bộ võ phục gọn gàng và cũng màu xanh, hai bên hông đeo hai hồ lô màu xanh, có lẽ đó là hai quả Lân hỏa đơn khét tiếng của y. Lúc này mọi người trong sảnh, để tỏ lòng tôn kính với Lam y sứ giả Lân vương Cổ Thái Huyền này, mọi người chưa ai dám ngồi xuống, trước khi Lam y sứ giả còn chưa an tọa, chỉ riêng độc mình Tả Pháp Thụ chẳng cần để ý về lễ phép, lại nữa Cổ Thái Huyền cũng đã nói là tự tiện, thế là vị phiên tăng chẳng nề gì ngồi bịch ngay xuống trước tiên!

Lân vương Cổ Thái Huyền mắt trợn trừng, lạnh lùng cười nhạt và bước về phía Tả Pháp Thụ. Liễu Văn biết sẽ có chuyện lôi thôi, nàng vội đứng ra dung hòa cho tình hình bớt căng thẳng đôi bên bằng cách tươi cười giới thiệu cho cả hai bên:

- Trời ơi! Chắc có lẽ hai vị còn chưa quen biết nhau, nào! Nào! Nào!... để tiểu muội đứng ra giới thiệu cho!

Lam y sứ giả ngừng ngay bước, Tả Pháp Thụ vẫn ngay người ngồi đực ra, Liễu Văn vội kéo ngay tên cột nhà cháy dậy rồi nói:

- Đây là một trong Tứ sứ giả của Chúa công, tức Lam y sứ giả Lân vương Cổ Thái Huyễn... còn vị này là Thiên Trúc can tăng Tá Pháp Thụ tôn giả, mới đến Trung Nguyên chưa bao lâu, nên tất cả các tập quán đều chưa quen...

Tiếng oanh thỏ thẻ êm tai, thế là một cuộc diện sắp nổ bùng bị dập tắt ngay, Liễu Văn tuy đã khéo dàn xếp, nhưng vị Lam y sứ giả, cũng chẳng biết y có ỷ vào công lực của bản thân, hay lại mượn oai phong của Tỉ Vương mà ngang nhiên kiêu hãnh lạ lùng!

Lúc này, Lam y sứ giả hình như không coi Tả Pháp Thụ vào đâu, chỉ lạnh lùng rằng:

- Hân hạnh. - Thình lình ôm quyền vái dài sang Tả Pháp Thụ.

Phiên tăng không hề hay biết gì về ý nghĩa cái vái ấy, nhưng mọi người đứng cạnh đã thất kinh, Liễu Văn không dám ra tay giúp, đang tính nhắc tỉnh cho tình nhân, nhưng mọi sự đã trễ.

Một ngọn kình phong ngấm ngầm bắn ra, thân hình đồ sộ của Tả Pháp Thụ không sao đứng vững nổi, chỉ thấy vị phiên tăng bị bật lùi liên miên ra phía sau... may được Độc Ma lấy ngay một chiếc ghế đỡ ngay về phía lùi của Tả Pháp Thụ.

Bản ý của Độc Ma, vốn có lòng tốt giúp người trong lúc sa cơ, nên mới hấp tấp đẩy ghế ra, chỉ cốt sao nạn nhân khéo léo xoay sở thu bớt tốc lực lại ngồi xuống, như thế đã giữ ngay được thể diện, nhưng nào ngờ thân hình của vị phiên tăng này quá nặng cân, sau khi khối thịt nặng nề ngồi vào chiếc ghế, chỉ nghe rắc một tiếng, chiếc ghế gỗ kiên cố ấy lập tức bị gãy tan tành.

Lân vương Cổ Thái Huyền, đưa mắt nhìn tả hữu quát ngay:

- Quí khách giá đến, tại sao dám dùng loại ghế yếu hư như thế, còn không mau mau dọn ngay ghế sắt ra đây?

Sau một tiếng dạ chát tai vang lên, chớp mắt mọi người đã thấy bảy tám mạng đại trán ì ạch khiêng ngay ra một chiếc ghế sắt!

Nhưng lạ nhất là chiếc ghế này lại bốc khói nóng, hình như đã bị nung nóng sẵn, kẻ ngồi vào, thế nào chả bị tóe khói...

Đừng nói mọi người trong đại sảnh kinh ngạc, đến như chàng Thượng Quan Linh đang phủ phục trên lầu nhìn xuống ấy, cũng không làm sao đoán rõ nổi dụng ý của Lân vương Cổ Thái Huyền. Chàng đâu hiểu rằng đây là một thủ đoạn khủng bố tinh thần cao độ và cách dùng áp lực của Tỉ Vương, nhất là đối với những người mới nhập bọn, càng được các Sứ giả biểu diễn những cảnh rùng rợn để thu phục đám ma đầu, khiến cho họ không dám nghĩ tới chữ phản!

Lúc này Lam y sứ giả Lân vương Cổ Thái Huyền, cố biểu lộ một ngọn công lực tuyệt kỹ để chấn át tinh thần mọi người. Chỉ thấy Lam y sứ giả bước lại bên ghế sắt, đưa tay chụp và cử ngay lên và đưa ngay về phía Tả Pháp Thụ, với vẻ cung kính nói rằng:

- Xin mời quí khách ngồi!

Cuộc biểu diễn tuyệt kỹ này, không chỉ các ma đầu trong đại sảnh lúc này phải lắc đầu le lười mà cả đến Thượng Quan Linh cũng đăm ra băn khoăn khó nghĩ, không biết đôi tay của Lân Vương là thứ loại gì mà ngang nhiên dám cầm vào chiếc ghế sắt nóng bốc khói như vậy.

Từ ngày xuất đạo giang hồ đến nay, Thượng Quan Linh đã thâu được khá nhiều kinh nghiệm, nhưng xưa nay chưa thấy và cũng chưa nghe ai nói đến một ngoại công như thế, với bàn tay thịt đi bốc sắt nóng bỏng như thế. Nếu Thượng Quan Linh có thể nghĩ về biệt hiệu Lân Vương của Cổ Thái Huyền, may ra cũng có thể đoán được vị hỏa khí chuyên gia chơi lửa nổi tiếng này một phần manh mối nào!

Lúc này bao nhiêu con mắt trong sảnh đều dồn hết vào vị phiên tăng, khiến cho vị ác tăng này lúng túng vừa tức giận vừa luống cuống, sắc mặt đã xấu nay càng xấu thêm. Thượng Quan Linh tức cười thầm xem Tả Pháp Thụ sẽ ứng phó ra làm sao.

Trong lúc mọi người chờ đợi và Tả Pháp Thụ rối quýnh lo tìm cách đối phó, thình lình trong sảnh lại thay đổi không khí! Liễu Văn đứng ngay dậy cười lẳng lơ từ trên bàn cầm ngay hai ấm bằng sắt, tươi tỉnh rằng:

- Trời ơi! Trà đều nguội lạnh hết rồi? Nay sẵn lò đây để tiểu muội lo hâm lại cho nóng...

Thuận tay nàng đặt ngay hai ấm trà lên chiếc ghế sắt đang bốc khói, và quay về lấy chiếc ghế của mình đẩy cho Tả Pháp Thụ. Thì ra chiếc ghế sắt ấy, quả nhiên bên trong trống bọng, và được đốt than, nên đặt hai ấm sắt không bao lâu, trà đã bắt đầu sôi lục bục!

Liễu Văn lăng xăng rót trà ân cần mời tất cả ma đầu trong sảnh, người được mời trước là Lân vương Cổ Thái Huyền. Trong chớp mắt, cuộc căng thẳng được Liễu Văn khéo léo dàn xếp ổn thỏa.

Không khí vui vẻ lại bắt đầu, bỗng Dực Đông Biện Trang Hổ đứng ngay dậy cất tiếng hỏi:

- Kính thưa sứ giả, nghe đâu cuộc Mạc Bắc thịnh hội này, hình như Chúa công chúng ta có ý khai đàn lập giáo, vậy không biết chuyện này có thật?

Câu hỏi này khiến cho các ma đầu im lặng hẳn, ai nấy lo tập trung tia nhìn về phía Lân vương Cổ Thái Huyền, bên trên lầu, Thượng Quan Linh càng lắng tai hơn ai hết. Nhưng Lân vương Cổ Thái Huyền không phủ nhận, cũng không chịu nói rõ, mà chỉ khẽ gật gù.

Mọi người cảm thấy thất vọng, trong đám người bỗng lại có tiếng lanh lảnh rằng:

- Dám hỏi sứ giả? Nếu đã là khai đàn lập giáo, thế nào Chúa công lại chẳng thân hành đến chủ trì cho cuộc lễ thêm long trọng, vậy chắc chúng mình đây sẽ được chiêm ngưỡng chân diện mục của Chúa công cũng nên?

May mà câu nói này do thiếu nữ tuyệt sắc long y Liễu Văn hỏi, vì chỉ có nàng mới dám hỏi đến như thế.

Lân Vương lại thấy cô nàng dễ mến, nên cũng không nổi giận. Chỉ nghe Lam y sứ giả nói:

- Lẽ đương nhiên là Chúa công sẽ thân hành lại chủ trì cho cuộc đại lễ, nhưng xưa nay, những kẻ được thấy mặt Chúa công chỉ riêng có Tứ đại sứ giả của chúng ta mà thôi, và nay Chúa công cũng không phá lệ thường đó! Nếu chư vị nhất định muốn được xem mặt Chúa công chỉ sợ không được. Vì Chúa công luôn thay hình đổi dạng, không bao giờ hiện mặt thật để gặp ai, kể cả Tứ đại sứ giả chúng ta cũng thế, nhưng được cái vinh hạnh Chúa công cho biết trước mà thôi. Còn đối với chư vị, e đến ngày mùng mười sắp tới dây, chắc vẫn không làm sao có thể biết được ai là Chúa công? Bởi vì Chúa công có đứng sát ngay cạnh chư vị, chư vị cũng không thể nào nhận ra nổi...! Hà! Hà! Hà...

Chủ nhân Phi Các ma cung Độc Ma bỗng hỏi:

- Không lý Chúa công không đứng ra làm chủ tọa cuộc thỉnh hội?

Lân vương Cổ Thái Huyền lắc đầu, mọi người xôn xao bàn tán, cho rằng thế nào cũng do một trong Tứ đại sứ giả đứng ra thay mặt. Nhưng là ai? Tử y sứ giả Yểu Phi, Hắc y sứ giả Lãnh Lạc, hai vị này có uy thế hơn Lục y sứ giả Trần Thân và Lam y sứ giả Cổ Thái Huyền nhiều. Nhưng Lân vương Cổ Thái Huyền đã cho mọi người hay đừng mất công đoán mò làm gì, người chủ trì đại lễ này là người ngoài Tứ đại sứ giả, tức là có riêng một người khác...

Sau khi nghe câu nói này, ai nấy thất kinh, đến kẻ đang nghe trộm như Thượng Quan Linh cũng đâm ra ngơ ngác khó hiểu, cuộc thịnh hội Mạc Bắc này, tất cả bộ hạ của Tỉ Vương lo tập trung để khai đàn lập giáo, nay kẻ chủ trì thịnh hội lại không phải bản thân của Tỉ Vương, càng không phải Tứ đại sứ giả? Mà lại là một người lạ khác. Như vậy quả là một việc quái lạ? Bao nhiêu đôi mắt đều đổ dồn về hết Cổ Thái Huyền, kể cả tia nhìn của Thượng Quan Linh, ai nấy cùng chờ đợi câu giải thích.

Lân vương Cổ Thái Huyền rằng:

- Gần đây, ngoài Tứ đại sứ giả Hắc, Tử, Lục, Lam ra Chúa công đã tìm thêm được một vị và lập ngay làm Thanh y sứ giả, và vị Thanh y sứ giả sẽ là thủ lãnh của Ngũ đại sứ giả và kỳ Bách Linh Miếu đại hội này, chúng ta khai đàn lập giáo, chính do vị Thanh y sứ giả ấy đại biểu Chúa công đến chủ trì cuộc lễ...

Mọi người lại xôn xao, không biết lại vị cao thủ nào nổi danh trên giang hồ, mà được Tỉ Vương trọng vọng đến vậy.

Thanh y sứ giả là nhân vật gì? Không ai biết, đã có người sốt ruột về chuyện này, và công khai hỏi Cổ Thái Huyền rằng:

- Dám hỏi Sứ giả, vậy Thanh y sứ giả này là người trong làng Bạch Đạo hay Hắc Đạo?

Cổ Thái Huyền nói:

- Người trong làng Bạch Đạo!

Mọi người suy đoán ngay về những nhân vật thứ yếu trong làng Bạch đạo, thậm chí đoán luôn cả đến Giang nam Ngọc điệp Châu Phụng.

Con của Lỗ Bắc Náo Hải lúc này cất tiếng hỏi:

- Thôi, tôi đoán ra rồi, tôi biết Thanh y sứ giả là ai rồi?

Mọi người quay nhìn hết về phía thiếu niên, chỉ nghe thiếu niên rằng:

- Thưa chư vị Thúc, Bá, chúng ta thử nghĩ xem, trong làng Bạch đạo thử hỏi ai có bản lãnh thắng được chư vị thúc bá Tứ đại sứ giả? Theo ý của tiểu điệt nghĩ, chỉ có người ấy... người đã ẩn cư trên Mặc Phụ Sơn, sống vất vưởng với những đóa hoa đỏ, nhưng công lực của người này thì quả là không ai bì kịp được, trong làng Bạch đạo được suy làm thủ lãnh...

Trong sảnh lúc này có người kinh rú lên:

- Đoạn trường nhân Độc chỉ Thôi Bác!

Lúc này con của Chung Thiên Thu là Chung Lệnh Gia suy đoán về tham vọng của Độc chỉ Thôi Bác, không những công lực có thể hơn tứ đại sứ giả mà còn có thể so ngang hàng với Tỉ Vương là khác, nhưng sự việc có thể như thế được không? Nếu Độc chỉ Thôi Bác cũng đã thần phục Tỉ Vương để làm chức Thanh y sứ giả, vậy trong đương đại võ lâm, Tỉ Vương đã thành người vô đối thủ! Và công nhiên trở thành minh chủ trên giang hồ, vậy thì cần gì phái khai đàn lập giáo cho lôi thôi? Đương nhiên sự suy đoán của Chung Lệnh Gia không thể nào đứng vững được.

Lam y sứ giả Cổ Thái Huyền lạnh lùng lên tiếng:

- Chư vị cũng chớ nên suy đoán mò làm gì cho toi công: phải biết Thanh y sứ giả kỳ này thay quyền Chúa công lại đây, địa vị chí tôn, mong chư vị hãy thận trọng lời ăn tiếng nói của mình, phải tuyệt đối phục tùng và tôn kính để khỏi mang họa vào thân!...

Trong sảnh, không khí bắt đầu nặng nề, vì cũng hiểu rằng khi Tỉ Vương nâng đỡ một người nào lên, và để gây uy tín cho kẻ ấy, thường hay có những cuộc tàn sát ghê gớm để khủng bố tinh thần quần ma, nay sự việc đang bắt đầu, nhất là sau khi nghe lời cảnh cáo của Cổ Thái Huyền, ai nấy đều lo cho bản thân mình. Trong sảnh lúc này bỗng trở nên im lặng!

Thình lình, bên ngoài sảnh có tiếng rằng:

- Thanh y sứ giả giá lâm!... Lục y sứ giả...

Mọi người giật mình thất kinh, ai nấy ngóng dài cổ để chiêm ngưỡng xem người đó là ai?

Thượng Quan Linh trong bóng tối cũng giương mắt chăm chú xem Thanh y sứ giả là vị ma nào mà được Tỉ Vương chiếu cố hậu đãi như vậy! Trong sảnh im phăng phắc, Lam y sứ giả mặt hướng ra ngoài cửa, cung kính để nghênh tiếp, mọi người thấy Cổ Thái Huyền làm như vậy! Không ai dám chểnh mảng. Mọi người bắt chước theo khom lưng cúi mình, nhưng mắt lại cố ngước lên để nhìn ra phía cửa, trông bộ tịch đến buồn cười.

Lúc này tên phiên tăng Tả Pháp Thụ cũng phải bắt chước theo động tác của mọi người luôn! Mọi người nghe tiếng chân mỗi lúc một gần thêm...

Thượng Quan Linh lúc này cũng căng thẳng tuyệt độ về tiếng bước ấy, chàng đề phòng... trong bụng nghĩ thầm: công lực người này quả không hổ đệ nhất lưu trên giang hồ. Tiếng chân đến cửa sảnh đường thì ngừng hẳn, thình lình một lồng cầu xanh lè nhoáng vụt ngay vào trong. Mọi người ngửng đầu nhìn, ai nấy vội cúi ngay đầu xuống đồng thanh rằng:

- Kính bái Lục y sứ giả!

Thượng Quan Linh nhìn kỹ, chỉ thấy người này mặc áo choàng màu lục, áo quần, giày, thậm chí đến vỏ kiếm và chuôi kiếm, đều màu lục hết, trông rất chói mắt, mặt trắng như thoa phấn, sắc mặt ngạo mạn vô cùng, tuổi hình như còn trẻ.

Thượng Quan Linh biết người này từng nổi danh quỉ kế và thành công trong làng Hắc đạo với danh âm ty tú tài Trần Thân! Chỉ nội xem y vừa rồi nhoáng thân vào sảnh ấy, cũng hiểu ngay khinh công của y đã thuộc hạng đệ nhất lưu trong giang hồ rồi. Trong cả hai làng Hắc Bạch đạo cũng khó mà tìm được tay đối thủ lanh lẹ tuyệt mức như thế.

Sau khi âm ty tú tài Trần Thân xuất hiện, trông lại càng có vẻ hiển hách hơn Lam y sứ giả Cổ Thái Huyền nhiều, mọi người thăm hỏi kính cẩn, y vẫn ngang nhiên không thèm trả lời và cũng chẳng cần đáp lễ một ai. Chỉ thấy y tay nắm vào chuôi kiếm và dõng dạc hiên ngang nói:

- Thanh y sứ giả nay là vị thay mặt cho Chúa công đã đến ngoài cửa, vậy tất cả những ai có mặt tại đây phải coi sứ giả như Chúa công, và để tỏ lòng cung kính ngưỡng mộ Chúa công, tất cả phải quì xuống để nghênh tiếp Sứ giả cho chu đáo lễ nghi...

Tiếng nói của âm Ty Tú Tài có một oai lực vô biên, khiến cho toàn đám quì mọp ngay xuống!

Lúc này thấy hai vị sứ giả Lục và Lam, bước gần ra phía cửa cúi khom lưng và đồng thời cung kính rằng:

- Kính thỉnh Thanh y sứ giả!

Người thanh y hiên ngang bước vào, khí phách hiu hiu tự đắc. Thượng Quan Linh trên lầu nhìn kỹ, người này mặc toàn thân màu xanh, vì mặt ngửa lên, nên Thượng Quan Linh càng nhìn rõ, khuôn mặt tuấn tú, mắt sáng như sao, đường nét cấu tạo của bộ mặt đều cân dối, nhìn xong, Thượng Quan Linh ngộp hẳn hơi thở, ngầm than thầm: Trời ơi! Thì ra là vậy...

Lúc này Thanh y sứ giả đứng ngay cửa, hai sứ giả Lam và Lục hướng dẫn mọi người tung hô:

- Cung nghinh Thanh y sứ giả và nguyện Sứ giả phúc thọ khang ninh! Chúa công phúc thọ khang ninh!

Thanh y sứ giả giơ tay ra dấu cười rằng:

- Chư vị, xin bình thân!

Mọi người, lúc này mới ngửng đầu và đứng lên chiêm ngưỡng oai dung của Thanh y sứ giả. Ngay trong chớp nháy đó, trong sảnh cũng đã vang lên tiếng ối! ối! kinh ngạc. Tâm tình mọi người lúc này khác lạ hẳn, từ Kê Vĩ bang chủ, Biện Trang Hổ, Thái Hành Lục Khẩu, Điểm Thương Hoàng Kha, cha con Chung Thiên Thu và Chung Lệnh Gia đều không ngờ rằng Thanh y sứ giả lại trẻ măng đến thế, mà cũng không biết thiếu niên này là ai? Còn thầy trò Độc Ma, Bắc kiếm Phổ Côn, trưởng nữ Thanh Thông Liễu Văn, Tá Pháp Thụ, lúc này không những kinh hãi, mà còn không thể nào tin được, sau tiếng ối! ối! của mọi người, bất giác đều khẽ tiếng buột miệng:

- Trời ơi!... là... Thượng Quan Linh!

Đúng thế! Khuôn mặt của Thanh y sứ giả đây chính là bộ mặt anh tuấn bắt mắt của Thượng Quan Linh! Lúc này sự biến đổi huyền ảo của bầu không khí đại sảnh đây ngoại trừ bản thân của Thanh y sứ giả và Thượng Quan Linh thiệt đang nấp trên lầu ra, không còn ai có thể biết nội tình ẩn khúc trong này ra sao, kể luôn cả Cổ Thái Huyền và Trần Thân!

Thanh y sứ giả nghiễm nhiên mỉm cười đứng nhìn mọi người, thần sắc oai phong nhưng nhã mắt, hình như sứ giả cũng biết mọi người không tin, nhưng vẫn đứng uy nghi cho mọi người quan sát tường tận, cho họ dụi mắt thật kỹ để xem và chứng tỏ rõ đây không phải là mộng, mà là sụ thực.

Lục y sứ giả âm ty tú tài Trần Thân đứng cạnh giới thiệu ngay rằng:

- Gần đây Chúa công đã dùng kim phi xà truyền mật lệnh báo rõ cho tất cả Tứ đại sứ giả biết tin về sự tân nhiệm Thanh y sứ giả là Thượng Quan Linh đại hiệp. Và vị Thượng Quan Linh đại hiệp đây vốn là người trong làng bạch đạo, cũng là một vị thiếu niên anh hùng ưu tú của võ lâm, xuất thân danh môn mà lại còn là cao túc đắc ý nhất của Nam bút Gia Cát Dật tiên sinh trong nhóm Càn Khôn Ngũ Tuyệt...

Câu nói này tới đây, tất cả mọi người đều kinh ngạc, ai nấy dồn hết tia nhìn sang phía Bắc kiếm Phổ Côn. Quá là một chuyện đột ngột ly kỳ không ai có thể tin được! Đời thửa nào mà lại có sư điệt nghiễm nhiên chễm chệ làm thủ lãnh của Ngũ đại sứ giả mà trong khi đó vị sư bá già nua phải quì lạy sư điệt mình. Bắc kiếm Phổ Côn đã chịu không nổi quái trạng này, hừ lên một tiếng lạnh lùng toàn thân nhích động như muốn ra tay. Nhưng Bắc kiếm Phổ Côn cũng đâu phải người ngốc gì, tuy không ngửng đầu lên, nhưng cũng đã phát giác Lân vương Cổ Thái Huyền, âm ty tú tài Trần Thân đang chăm chú nhìn mình. Toàn thân Bắc Kiếm khẽ rung một hồi rồi trở lại yên tịnh, cúi đầu không nói năng gì và cũng chẳng buồn nhìn ai. Thượng Quan Linh đang nấp trên lầu nhìn xuống, cảm thấy thương hại cho tình cảm của sư bá mình, vì sống mà đã phải trả không biết bao nhiêu giá, kể cả giá đau khổ và giá nhục nhã!

Lục y sứ giả đã cười lên với mọi người rằng:

- Chắc chư vị đây kinh ngạc về tuổi trẻ của Thượng Quan Linh đại hiệp, nhưng chuyện này đâu có gì lạ, tự cổ có câu Hậu sinh khả úy, anh hùng vốn xuất thân trong đám thiếu niên, Thượng Quan Linh đại hiệp vốn là một điển hình của lớp thiếu niên anh hùng, chắc chư vị cũng cảm thấy không đáng tín niệm người trẻ chứ gì, thôi được, xin mạn phép Thanh y sứ giả bản sứ giả này được giới thiệu thêm!

Thanh y sứ giả mỉm cười như nhận lời âm ty tú tài Trần Thân lại nghiễm nhiên rằng:

- Trần Thân ta đám vỗ ngực nói một câu, trong số chư vị đang có mặt tại đây, tin chắc là không có một ai có thể hòng làm tổn thương đến sợi lông chân của đại hiệp Thượng Quan Linh... đương nhiên chư vị sẽ không tin lời nói của ta, nhưng chư vị nên hiểu cho rằng, Thượng Quan đại hiệp đã may mắn được ăn một cây tiên thảo gọi Tuyết bi tiên hoa... và dưới trần gian này của vòm trời võ lâm, chỉ ngoài hai báu vật ra, không còn có báu vật thứ ba nào có thể hại được Thượng Quan đại hiệp. Mà trong hai báu vật ấy là gì? Xin nói nhanh một là Lãnh điện tỉ thủ hiện nay ở đâu, đương nhiên chư vị rõ, còn một báu vật thứ hai là Tiểu Đoạt Hồn Kỳ nhờ Liễu đại tiểu thư và Tả Pháp Thụ có nhã ý đem hiến tặng cho Chúa công... cho nên, chư vị không lấy làm lạ gì, người mà đã có thể kềm chế vị Thượng Quan đại hiệp, là nhờ trong tay có hai báu vật quí hóa này, người ấy chính là Chúa công của chúng ta... âm ty tú tài Trần Thân nói tới đây Thượng Quan Linh thiệt đang nấp lên trên đầu sảnh đưa ngay tay lên rờ cổ mình.

Có quả thật vậy không? Không biết báu vật Kỳ lân bảo đới còn có công hiệu nữa không chứ? Nhưng bảo đới này chỉ có thể giữ được chiếc cổ, nếu Tỉ Vương dùng Lãnh điện tỉ thủ hay Tiểu Đoạt Hồn Kỳ để chiếu cố các nơi trọng huyệt trên người thì tính sao! Càng nghĩ Thượng Quan Linh càng ớn lạnh...

Sau câu giới thiệu của âm Ty Tú Tài xong, những người chưa quen biết chàng Thượng Quan Linh đều có vẻ tin tưởng và tỏ lòng khâm phục chàng thiếu niên anh tuấn này lắm. Nhưng thầy trò Độc Ma, Liễu Văn, Tả Pháp Thụ đều rõ Thượng Quan Linh hơn ai hết, lúc này đâu chịu phục, sắc mặt mấy người này đã hầm hầm, Thanh y sứ giả nhận ra, nhưng chỉ mỉm cười... do Lục y sứ giả và Lam y sứ giả tiến dẫn vị Thanh Y đi ngang khắp mặt mọi người, cười nói huyên thuyên, bất luận là đứng trước mặt vị đại ma đầu nào trong đám, vị sứ giả thiếu niên anh tuấn, đều ung dung ăn nói đâu vào đấy! Lễ độ vô ngần, đối với những người chưa biết Thượng Quan Linh, lúc này đều bị khớp về khí độ hiên ngang của chàng, ai nấy cung kính đối xử. Thượng Quan Linh thiệt trên lầu nghĩ bụng, nếu mình đứng trong địa vị đó, chắc không sao bì nổi với người ta được?

Thanh y sứ giả hình như cũng biết rõ ai đang không phục mình, sau khi hàn huyên xong với cha con Chung Thiên Thu và Hận thư sinh Hoàng Kha, vẫn do hai sứ giả Lục và Lam tiến dẫn đi về phía thầy trò Độc Ma.

Cổ Thái Huyền bên cạnh nói rằng:

- Đây là vị chủ nhân của Phi Các tiên cung trên Vô Ảnh Phong Độc Ma, kia là cao túc Đinh Hãm...

Chưa dứt lời, Đinh Hãm đã lạnh lùng rằng:

- Thanh y sứ giả! Chúng ta đều là chỗ đã quen nhau từ trước kia mà!

Thanh y sứ giả mỉm cười nói:

- Thế sao? - Tay khẽ giơ lên, tên Đinh Hãm trước mặt bỗng cảm thấy đầu gối đau nhói, không sao chịu nổi bịch một tiếng quì ngay trước mặt, Thanh y sứ giả vội rằng:

- Không dám? Không dám! Sao thế huynh lại dùng trọng lễ với ta như thế, Cổ Thái Huyền, hãy mau thay mặt ta đỡ ngay vị thế huynh này dậy!

Cổ Thái Huyền đỡ ngay tên Đinh Hãm dậy, chỉ thấy mặt hắn trắng toát, Độc Ma vừa hoảng vừa giận, trong lòng xót thương ái đồ biết hắn đã bị trúng ám khí.

Bèn quan tâm hỏi ngay:

- Sao Đinh Hãm? Con cảm thấy sao?

Thình lình Độc Ma cảm thấy đầu gối mình tê nhức, đôi chân của Độc Ma, vốn là đôi chân giả, nhưng chính lại đau ngay chỗ tiếp giáp giả thật ấy, trong lòng kinh hoảng. Đầu gối như muốn quì thấp xuống, Độc Ma hoảng cuống lên, nghĩ bụng nếu mình quì xuống! Còn gì là thể diện của Độc Ma Phi Các tiên cung nữa!

Chapter
1 Chương 1: Càn Khôn ngũ tuyệt
2 Chương 2: Gia tập Thiên Đài Nhai Đãng Gian
3 Chương 3: Kỳ ảnh Tiểu Thanh
4 Chương 4: Vô Tự chân kinh
5 Chương 5: Trên Thất Ly Sơn nhiều dị nhân
6 Chương 6: Kim hoàng dị quả
7 Chương 7: Vân Đài Song Ác
8 Chương 8: Động huyệt kỳ nhân
9 Chương 9: Bắc kiếm đông tăng
10 Chương 10: Đồng chung hoạn nạn
11 Chương 11: Chân giả
12 Chương 12: Phong đỉnh quần ma
13 Chương 13: Thiên Trì thịnh hội
14 Chương 14: Khởi điểm mê ly
15 Chương 15: Kỳ nhân chung ly triết
16 Chương 16: Tam dị khất trong cùng gia bang
17 Chương 17: Tai vạ bay tới
18 Chương 18: Hãy tới địa phủ bái thần quân
19 Chương 19: Ai thật ai giả?
20 Chương 20: Trong tiêu hồn cốc diêm la đấu
21 Chương 21: Tranh dành trên la phù sơn
22 Chương 22: Ỷ kỳ đấu thắng
23 Chương 23: Huyền vụ nghi vấn
24 Chương 24: Thiên đài thịnh hội
25 Chương 25: Tham cứu suy luận
26 Chương 26: Càn khôn cửu tuyệt hội la phù
27 Chương 27: Thần kỳ tuyệt diệu
28 Chương 28: Tà dương minh nhật
29 Chương 29: Thiên hương ấu triển chân kỳ
30 Chương 30: Xin biết lư sơn chân diện mục
31 Chương 31: Đệ tứ từ đâu đến?
32 Chương 32: Thâm la dạ thẩm
33 Chương 33: Huyết lệnh thần đàn
34 Chương 34: Ân thù biến ảo
35 Chương 35: Tu la tam bảo và diệu vũ tiêu thanh
36 Chương 36: Ngũ tuyệt nhân bì
37 Chương 37: Tái hiện trên giang hồ
38 Chương 38: Bát long ngân bị trộm
39 Chương 39: Khắc cốt tương tư
40 Chương 40: Dạ thám cửu thiên tự
41 Chương 41: Hàng ngũ ma trên vô ảnh phong
42 Chương 42: Nhiếp hồn đại pháp, diệu sắc ma thủ
43 Chương 43: Thay mận đổi đào
44 Chương 44: Dưới bóng vô ảnh phong
45 Chương 45: Phi các ma cung
46 Chương 46: Thoát khỏi trùng vây
47 Chương 47: Lão bà bịt mặt
48 Chương 48: Lời thác khi lâm nguy
49 Chương 49: Lòng dạ rắn như vàng
50 Chương 50: Tiếng đàn thúc chí
51 Chương 51: Kiếm rút cung giương
52 Chương 52: Tiếng cười nhiếp hồn người
53 Chương 53: Ba trận tỷ thí
54 Chương 54: Quần ma tán đởm kinh hồn
55 Chương 55: Tuyết tan hoa nở
56 Chương 56: Người khách không quen
57 Chương 57: Thất thủ bị cầm
58 Chương 58: Di hoa tiếp mộc
59 Chương 59: Ngân hoa hỏa thụ
60 Chương 60: Một dĩ vãng tan lòng
61 Chương 61: Trí thoái quần ma
62 Chương 62: Bệnh thong manh
63 Chương 63: Trận đấu trên lãnh hương các
64 Chương 64: Trừ ác chưa xong
65 Chương 65: Vụ án lãnh điện
66 Chương 66: Bắc kiếm ẩn tung
67 Chương 67: Bí mật của màu đen
68 Chương 68: Tự giả loạn chân
69 Chương 69: Bệnh tật quái dị
70 Chương 70: Hắc y sứ giả
71 Chương 71: Tuyệt thế tư dung
72 Chương 72: Thanh y hiện thân
73 Chương 73: Ngộ thương ái đồ
74 Chương 74: Họa giáng thần tự
75 Chương 75: Xử nữ hiến tế
76 Chương 76: Gặp nhau trên quãng đường hẹp
77 Chương 77: Điều kiện như thế
78 Chương 78: Cuộc đụng chạm nảy lửa
79 Chương 79: Thử sơ tuyệt kỹ
80 Chương 80: Sai một ly đi một dặm
81 Chương 81: Thành công mỹ mãn
Chapter

Updated 81 Episodes

1
Chương 1: Càn Khôn ngũ tuyệt
2
Chương 2: Gia tập Thiên Đài Nhai Đãng Gian
3
Chương 3: Kỳ ảnh Tiểu Thanh
4
Chương 4: Vô Tự chân kinh
5
Chương 5: Trên Thất Ly Sơn nhiều dị nhân
6
Chương 6: Kim hoàng dị quả
7
Chương 7: Vân Đài Song Ác
8
Chương 8: Động huyệt kỳ nhân
9
Chương 9: Bắc kiếm đông tăng
10
Chương 10: Đồng chung hoạn nạn
11
Chương 11: Chân giả
12
Chương 12: Phong đỉnh quần ma
13
Chương 13: Thiên Trì thịnh hội
14
Chương 14: Khởi điểm mê ly
15
Chương 15: Kỳ nhân chung ly triết
16
Chương 16: Tam dị khất trong cùng gia bang
17
Chương 17: Tai vạ bay tới
18
Chương 18: Hãy tới địa phủ bái thần quân
19
Chương 19: Ai thật ai giả?
20
Chương 20: Trong tiêu hồn cốc diêm la đấu
21
Chương 21: Tranh dành trên la phù sơn
22
Chương 22: Ỷ kỳ đấu thắng
23
Chương 23: Huyền vụ nghi vấn
24
Chương 24: Thiên đài thịnh hội
25
Chương 25: Tham cứu suy luận
26
Chương 26: Càn khôn cửu tuyệt hội la phù
27
Chương 27: Thần kỳ tuyệt diệu
28
Chương 28: Tà dương minh nhật
29
Chương 29: Thiên hương ấu triển chân kỳ
30
Chương 30: Xin biết lư sơn chân diện mục
31
Chương 31: Đệ tứ từ đâu đến?
32
Chương 32: Thâm la dạ thẩm
33
Chương 33: Huyết lệnh thần đàn
34
Chương 34: Ân thù biến ảo
35
Chương 35: Tu la tam bảo và diệu vũ tiêu thanh
36
Chương 36: Ngũ tuyệt nhân bì
37
Chương 37: Tái hiện trên giang hồ
38
Chương 38: Bát long ngân bị trộm
39
Chương 39: Khắc cốt tương tư
40
Chương 40: Dạ thám cửu thiên tự
41
Chương 41: Hàng ngũ ma trên vô ảnh phong
42
Chương 42: Nhiếp hồn đại pháp, diệu sắc ma thủ
43
Chương 43: Thay mận đổi đào
44
Chương 44: Dưới bóng vô ảnh phong
45
Chương 45: Phi các ma cung
46
Chương 46: Thoát khỏi trùng vây
47
Chương 47: Lão bà bịt mặt
48
Chương 48: Lời thác khi lâm nguy
49
Chương 49: Lòng dạ rắn như vàng
50
Chương 50: Tiếng đàn thúc chí
51
Chương 51: Kiếm rút cung giương
52
Chương 52: Tiếng cười nhiếp hồn người
53
Chương 53: Ba trận tỷ thí
54
Chương 54: Quần ma tán đởm kinh hồn
55
Chương 55: Tuyết tan hoa nở
56
Chương 56: Người khách không quen
57
Chương 57: Thất thủ bị cầm
58
Chương 58: Di hoa tiếp mộc
59
Chương 59: Ngân hoa hỏa thụ
60
Chương 60: Một dĩ vãng tan lòng
61
Chương 61: Trí thoái quần ma
62
Chương 62: Bệnh thong manh
63
Chương 63: Trận đấu trên lãnh hương các
64
Chương 64: Trừ ác chưa xong
65
Chương 65: Vụ án lãnh điện
66
Chương 66: Bắc kiếm ẩn tung
67
Chương 67: Bí mật của màu đen
68
Chương 68: Tự giả loạn chân
69
Chương 69: Bệnh tật quái dị
70
Chương 70: Hắc y sứ giả
71
Chương 71: Tuyệt thế tư dung
72
Chương 72: Thanh y hiện thân
73
Chương 73: Ngộ thương ái đồ
74
Chương 74: Họa giáng thần tự
75
Chương 75: Xử nữ hiến tế
76
Chương 76: Gặp nhau trên quãng đường hẹp
77
Chương 77: Điều kiện như thế
78
Chương 78: Cuộc đụng chạm nảy lửa
79
Chương 79: Thử sơ tuyệt kỹ
80
Chương 80: Sai một ly đi một dặm
81
Chương 81: Thành công mỹ mãn