Có quỷ biết ta đã trả giá biết bao nhiêu công sức để được làm đại nha hoàn nhất đẳng.
Lão phu nhân thích ăn đồ cay, ta tốn gần bốn tháng trời đi học hàng đêm. Lão phu nhân muốn nuôi vẹt nói năng lưu loát, ngày nào ta cũng mang nó ra ngoài dạy tiếng người, cuối cùng cả ta và chim anh vũ đều đọc thuộc lòng “Tâm kinh” mới thôi.
Lão phu nhân ngại con dâu mới tính nết không tốt, ta đứng giữa hòa giải dôi bên, chân chạy sắp đứt đến nơi rồi mới lên được nhất đẳng.
Di Vũ vào phủ cùng một năm với ta chỉ đích danh: “Nhìn nàng xem, ăn một bữa cơm còn phải thêu khăn tay cho lão phu nhân, không chừng tối nằm ngủ cũng mơ thấy bản thân đang nịnh bợ chủ nhân!”
Trước nay nàng đều điêu ngoa như thế, chúng ta quen thân nên không kiêng dè gì. Ta nghe nàng nói thế chỉ cười, tiếp tục làm công việc riêng.
Còn một nhất đẳng nha hoàn khác lớn tuổi hơn ta một chút là Đông Quế lại nói đỡ cho ta: “Mấy người ghen tị chứ gì, làm như chủ nhân dễ nịnh bợ lắm vậy?”
Đông Quế đến gần xem ta thêu hoa, nói tiếp: “Chỉ cần nói tới chuyện thêu khăn tay thôi, các ngươi chỉ thích cướp mấy món có kích thước lớn, cảm thấy càng lớn thì càng xuất sắc. Có ai nghĩ tới quanh năm suốt tháng, thứ mà lão phu nhân dùng nhiều nhất vẫn là mấy loại nhỏ nhắn như thế này đâu.”
“Mỗi lần dùng tới, lão phu cứ nhắc mãi đây là tay nghề của Niên Phong, người ta được lòng hơn các ngươi là chuyện đương nhiên.”
Di Vũ cũng bước tới, không nói lời nào đã cướp khăn tay ta đang thêu, cười nói: “Vậy hôm nay ta cũng thêu khăn tay, để lão phu nhân cũng nhắc tới tên ta mãi mới thôi.”
Ta bất đắc dĩ lắc đầu, dứt khoát nhấc tay bắt đầu ăn cơm.
Di Vũ thấy ta không mấy hào hứng thì nói: “Ngươi đừng im lặng mãi thế, ngươi biết ta chỉ trêu ngươi thôi mà.”
Ta quay đầu nhìn quanh bốn phía, bí mật càng nhiều người biết thì càng khó giữ. Ta liếc nàng một cái ra hiệu.
Di Vũ ngầm hiểu, giúp ta bưng chén cơm vào buồng trong, vừa đi vừa nói: “Bà cô Niên Phong ơi, ta hầu hạ ngài vào nhà dùng trà có được không?”
Vào phòng, tránh đi mọi người ta mới giữ chặt tay nàng, không cho nàng vội làm việc ngay mà ngồi xuống cạnh ta.
“Niên Phong, ta thấy mấy ngày nay ngươi cứ rầu rĩ không vui, bộ có chuyện gì à?”
Ta gỡ vuốt tóc mái, nói với Di Vũ: “Tháng trước ta vừa tròn mười sáu, thiếu phu nhân biết được thì bảo là muốn tìm cho ta một người trong sạch.”
Di Vũ nhăn mày, bất giác cao giọng lên: “Lão phu nhân yêu thích ngươi nhất, thiếu phu nhân chủ động lấy lòng...”
Ta vội vàng “suỵt” một tiếng, Di Vũ nhỏ giọng đi vài phần: “Nàng chủ động lấy lòng để làm gì? Dù sao thì ngươi đâu có muốn leo lên giường thiếu Tướng quân đâu.”
Ta lắc đầu, chỉ có thể thở dài.
Di Vũ thấy thế thì an ủi ta: “Ngươi cần nói chuyện này cho lão phu nhân, cầu xin bà giữ ngươi lại. Chúng ta xuất thân thế này thì chỉ có thể ở lại trong phủ, hy vọng sống được mấy năm thanh nhàn. Gả đi rồi thì ai biết được sướng khổ thế nào.”
Đám nha hoàn trẻ tuổi như chúng ta hễ bàn tới đề tài này là lại thấy ưu sầu.
Ta là nha hoàn được lão phu nhân chọn vào phủ. Năm đó lão phu nhân đến chùa Hoài An làm từ thiện, còn ta chỉ là một đứa trẻ đáng thương, đi theo mẹ xin ăn người qua đường.
Ta được nhà sư bưng cho chén cháo. Chỉ vì lúc đó ta nhường mẹ ăn hết nên lão phu nhân mới chú ý tới ta, phái người đưa ta tới nơi khác nói chuyện.
Khi đó bà hỏi ta tại sao đói đến không ra hình người rồi mà không chịu ăn cháo.
Ta rụt rè túm chặt góc áo rách nát của chính mình, cúi đầu nhỏ giọng đáp lời: “Mẹ con đang mang thai em trai, con sợ mẹ ăn không ngon, em trai con cũng đói bụng theo mẹ...”
Ta không ngờ là lão phu nhân hiền từ như vậy, còn kéo ta ngồi bên cạnh bà.
Bà cúi xuống thân thiết hỏi ta: “Sao con biết mẹ con sẽ sinh ra em trai?”
Ta cắn môi, trả lời là: “Cha con nói nếu không sinh em trai thì tiếp tục sinh đến khi nào có mới thôi, cơ thể mẹ con yếu lắm rồi, con, con sợ...”
Lúc ấy ta không nhịn được nước mắt nghẹn ngào rơi xuống. Nước mắt trộn lẫn với bụi đất trên mặt ta, chảy dài một đường lầy lội.
Trong nhà tính luôn cả ta đã là bốn đứa con gái, ta sợ mẹ mà mang thai nữa thì mệnh cũng chẳng còn.
Lão phu nhân thấy thế thì vội vàng lấy khăn tay ra giúp ta lau nước mắt.
Ta theo bản năng trốn tránh bà: “Không dám, lão phu nhân, đừng làm dơ đồ của người.”
Bà cười hiền, kéo ta qua chà lau cẩn thận. Bà nói: “Vậy sau này con thêu nhiều khăn tay trả cho ta là được rồi chứ gì?”
Ta sửng sốt hồi lâu, làm thị vệ nhỏ tuổi đi cùng bà không nhịn được mà há mồm.
Thị vệ này lớn lên trắng trẻo, đôi mắt sáng ngời, cho dù không cười vẫn có lúm đồng tiền ngọt ngào treo bên má: “Ý của lão phu nhân là muốn đưa ngươi về phủ đấy, còn không mau cảm ơn ân huệ của lão phu nhân đi?”
Có lẽ hắn là thị vệ đi theo thiếu Tướng quân, lúc hắn hưng phấn nói chuyện với ta thì bị thiếu Tướng quân tàn nhẫn quát bảo im miệng: “Còn không mau lùi xuống! Trước mặt lão phu nhân có chỗ cho hạng tôi tớ như ngươi lắm lời sao!”
Ánh nắng nương theo mây, khắp chốn lễ Phật vẫn không áp được sát khí trên người thiếu Tướng quân. Hắn lạnh nhạt liếc nhìn ta, nhạt nhẽo đến mức không có bất kỳ cảm xúc nào, chẳng khác gì đang quan sát một con chó hay con mèo nhỏ.
Cho nên sau đó ta luôn cung kính với hắn, sợ hắn, tiếp thu ý kiến từ hắn, vâng lời hắn, nhưng tuyệt đối không hề yêu hắn.
Đáng tiếc là thiếu phu nhân không cho là vậy. Nàng cảm thấy hắn là người tài giỏi oai hùng nhất trần đời, miễn là đàn bà con gái thì nhất định sẽ yêu mến hắn.
Sau khi vào phủ Tướng quân, ta vẫn luôn ở bên cạnh lão phu nhân.
Di Vũ vào phủ cùng một ngày với ta. Nàng là cháu ngoại của một quản gia già, sinh hoạt thường ngày tốt hơn ta nhiều lắm. Nhưng nàng không ỷ mạnh hiếp yếu, ngược lại lần đầu tiên gặp mặt đã giữ chặt tay ta, cùng nhau ngồi dưới hành lang nghe nàng kể chuyện.
“Ông ngoại ta làm việc trong phủ bốn mươi năm. Ông hiểu rõ lòng dạ lão phu nhân giống như Bồ Tát sống.”
“Ngươi thấy không, lão quản gia còn dám đưa cháu ngoại mình đến hầu hạ lão phu nhân, có thể thấy nơi này là chỗ tuyệt vời như thế nào, ngươi không cần cẩn thận giữ mình làm gì cho mệt.”
Hôm ta vào phủ, so với người khác thì lão phu nhân trả ta gấp đôi tiền bán thân, để ta đưa về nhà cho mẹ tiêu xài.
Lão phu nhân thở dài nói với ta: “Các ngươi là con cái nhà người, nhìn lại nhiều thế hệ võ tướng nhà ta đều là Võ Khúc Tinh hạ phàm anh dũng, thiện chiến. Nhưng mà bọn họ đều làm việc tạo nghiệp sát sanh, giảm thọ vô cùng.”
Khi bà nói những lời ấy thì nhìn rất giống những người già cả trong thôn ta. Bọn họ sớm tối ngày nào cũng ngóng trông con cháu tham gia quân ngũ quay về.
“Nhìn phủ đệ to lớn này xem, kết quả chỉ còn một mình lão bà đầu bạc là ta cùng một đứa cháu nhỏ. Vinh quang trong mắt người khác là đau thương kinh hoàng trong lòng ta.”
Mỗi khi thiếu Tướng quân xuất chinh, lão phu nhân đều nói chuyện nhiều hơn thường ngày. Ta là người có đủ kiên nhẫn ngồi yên chép kinh Phật bên cạnh bà, nghe bà nói dong dài nhiều việc mà không cần đáp lời, chỉ cần thấu hiểu bà là tốt lắm rồi.
Thời gian dài qua đi, lão phu nhân sẽ nhắc đến chuyện lúc ta mới biết chữ đã học chép kinh thư. Bà cười nói: “Ta dạy nhiều đứa viết chữ như vậy, ngươi vẫn là đứa học giỏi và nhanh nhất.”
Ta thành thật đáp lời: “Tháng nào lão phu nhân cũng cho con nhiều tiền như vậy, thân thể mẹ con cũng điều dưỡng tốt lên rồi. Con chỉ cần làm tốt những việc lão phu nhân giao cho, nếu không thì con hổ thẹn lắm.”
Mẹ ta vẫn sinh con gái, nhưng ta lấy tiền tiêu vặt ra uy hiếp cha. Nếu như ông còn ép mẹ ta sinh con thì ta không thèm gửi tiền về nhà nữa.
Tiền ta cho đủ để người cha hèn nhát hết nửa đời người xây nhà mới, còn mua được một đám dê bò. Ông không dám không nghe theo.
Mà những thứ đó bất luận là vì lão phu nhân tâm địa thiện lương, hay là vì bà muốn tích phúc cho con cháu thì đối với ta vẫn là ân là đức, ta cần phải ghi lòng tạc dạ.
Cho nên khi bà muốn sửa lại tên “Chiêu Đệ” cho ta thì ta chủ động vâng lời. Ta muốn có một cái tên hay, hy vọng bà ban cho.
Ta viết lên giấy, lão phu nhân và các nha hoàn nhìn qua đọc một lần: “Niên Phong.”
Di Vũ cười ta: “Thuộc hạ của thiếu Tướng quân có một tiểu binh gọi là “Thụy Tuyết”, ngươi và hắn kết thành một đôi vừa vặn hợp.”
Ta biết “Thụy Tuyết”, ngày thứ hai ta vào phủ có gặp qua hắn.
Hôm đó ta đưa canh nóng cho thiếu Tướng quân. Ta không biết đường đi, vòng qua vòng lại đôi ba lần, khổ sở lắm mới đi được tới cửa hông ở hướng Tây.
Một thị vệ nhỏ tuổi tiến lên ngăn ta lại. Hắn cũng chính là người đã nói chuyện với ta trong chùa, lớn lên trắng trẻo, đôi mắt sáng ngời.
Hắn cười, đôi má lúm đồng tiền trông càng có vẻ ngọt ngào hơn. Hắn hỏi ta: “Canh gì đấy, còn phải bưng ra khỏi phủ đi một vòng mới uống được à?”
Ta cúi đầu, chân mày xoắn lại bế tắc: “Lão phu nhân mới đưa ra mệnh lệnh đầu tiên mà ta đã không làm được, không biết phải làm sao bây giờ?”
Hắn thấy ta sắp khóc tới nơi thì vội nghiêm mặt nói: “Ngươi vội làm gì, đưa đi đâu thế? Ta tìm một cô nương tới dẫn đường cho ngươi.”
Vừa nghe ta nói là đưa cho thiếu Tướng quân thì mặt mày hắn giãn ra: “Thì ra là thiếu Tướng quân, ta giúp ngươi là được.”
Thị vệ trẻ một bên dẫn đường, một bên giúp ta bưng canh nóng, chỉ chừa lại cho ta sống lưng thẳng tắp như cây trúc.
Bưng đến trước cửa thì có nhiều người quá, hắn chuyền lại cho ta rồi nhỏ giọng nói: “Cứ nói là do một mình ngươi bưng tới, ta chưa từng bước vào đây, hiểu không?”
Ta thành thật gật đầu, nhìn thiếu niên có đôi mắt sáng như trăng rằm rón rén trốn đi.
Sau đó mỗi lần ta chuyển đồ cho thiếu Tướng quân đều cố ý vòng qua cửa hông ở hướng Tây. Mãi cho đến khi ta mang áo choàng làm bằng lông cáo đi ngang qua đó, nghe thấy thị vệ khác gọi hắn một tiếng “Thụy Tuyết” mới biết tên họ hắn là gì.
Vòng đi vòng lại, ngoại trừ con đường quanh co kia là tâm tư không thể nói thành lời.
Cho nên lúc Di Vũ lấy tên Thụy Tuyết ra trêu ghẹo thì ta vội vàng tiến lên bịt kín miệng nàng.
Giữa tiếng trêu đùa của mọi người, ta đỏ mặt, chỉ biết thấp giọng giãi bày: “Không phải thế, ta là Niên Phong, không phải là Phong Niên...”
(!)Thụy tuyết phong niên: (Tuyết rơi báo hiệu năm bội thu)
Chỉ có lão phu nhân là không cười ta, bà than dài một tiếng.
Mọi người thấy thế thì không cười cợt nữa, nghe lão phu nhân nói với ta: “Niên Phong là đứa trẻ có tâm. Ai cũng cầu phúc cho cháu ta theo ta, chỉ có ngươi là nhớ đến ta.”
“Niên phong nhân tăng thọ” là nửa câu đối mà người trong thôn ta dán lên tường mỗi khi xuân đến.
Ta hy vọng lão phu nhân nhiều phúc nhiều thọ, sống lâu trăm tuổi. Tuy rằng rất lâu sau này ta mới hiểu được tại sao bà lại thở dài chán chường đến thế.
Trơ mắt nhìn chồng và con trai da ngựa bọc thây, vài thập niên làm người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, thế thì trường thọ có khác gì tra tấn, giày vò.
Updated 7 Episodes